Hơn 176,7 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trong tháng 2 đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 174,19 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cấp mới 2 dự án với vốn đầu tư đăng ký 4,84 triệu USD; điều chỉnh 3 dự án.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 2 đầu năm, tổng vốn đầu tư thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh) đạt 176,71 triệu USD, đạt 32,13% kế hoạch năm. Diện tích đất cho thuê đạt 0,81ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 4.634m2.

Về đầu tư nước ngoài, tổng vốn thu hút đạt 174,19 triệu USD, trong đó cấp mới 2 dự án với vốn đầu tư đăng ký 4,84 triệu USD; điều chỉnh vốn 3 dự án với vốn điều chỉnh tăng 171,35 triệu USD (có 1 dự án Green Planet tăng 158 triệu USD).

Đầu tư trong nước thu hút tổng vốn đạt 22,42 tỷ đồng (tương đương 0,97 triệu USD), trong đó cấp mới 2 dự án với vốn đầu tư đăng ký 11,2 tỷ đồng (tương đương 0,48 triệu USD) và 1 dự án điều chỉnh, vốn điều chỉnh tăng 10,52 tỷ đồng (tương đương 0,45 triệu USD).

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với việc thu hút đầu tư, Ban Quản lý còn đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý trật tự xây dựng; chủ động triển khai biện pháp phòng chống, ứng phó triều cường; các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, Ban Quản lý tiếp tục thực hiện đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045"; dự án "Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" tại Khu công nghiệp Hiệp Phước.

"Đặc biệt, Ban Quản lý đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; tiếp nhận trực tuyến (trên hệ thống ecosys của Bộ Công Thương) cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O ưu đãi mẫu D… nhằm cải thiện xếp hạng chỉ số Par-Index (chỉ số cải cách hành chính), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh," ông Hứa Quốc Hưng chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục