Ngày 24/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 172 nước đang tham gia kế hoạch mang tên COVAX do tổ chức này dẫn đầu nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Ban đầu, khi nguồn cung vắcxin phòng dịch COVID-19 có thể bị hạn chế, điều quan trọng là phải cung cấp vắcxin cho những người có nguy cơ nhất trên toàn cầu."
Ông cũng nhấn mạnh việc huy động thêm nguồn tài trợ đang trở nên cấp bách và các quốc gia cần đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc.
Trong khi đó, Cố vấn cấp cao của WHO - ông Bruce Aylward, cùng ngày đã lên tiếng kêu gọi các nước tham gia kế hoạch COVAX nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng vắcxin phòng dịch COVID-19. Ông nêu rõ: "Điều then chốt là phải đảm bảo các vắcxin có thể được chuyển tới tất cả các quốc gia càng sớm càng tốt."
[Trung Quốc ưu tiên cung cấp vắcxin cho các nước sông Mekong]
Trước đó, khi đề cập tới hiện tượng mà ông gọi là "chủ nghĩa dân tộc vắcxin", Tổng Giám đốc Ghebreyesus đã cảnh báo việc nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn.
Ông Ghebreyesus cho biết ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vắcxin phòng ngừa COVID-19.
Italy bắt đầu thử nghiệm vắcxin tiềm năng trên người
Cũng trong ngày 24/8, Italy đã khởi động các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vắcxin GRAd-COV2 phòng COVID-19.
Bệnh viện Lazzaro Spallanzani tại Rome, một bệnh viện chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với 90 tình nguyện viên trong những tuần tới với hy vọng có thể cung cấp vắcxin ra thị trường vào cuối năm nay.
Giám đốc Y tế Francesco Vaia thuộc bệnh viện Lazzaro Spallanzani cho biết những người được tiêm vắcxin đầu tiên sẽ được theo dõi trong 4 giờ trước khi được trở về nhà.
Những người này cũng sẽ tiếp tục được theo dõi tại nhà trong 12 tuần để các chuyên gia đánh giá liệu vắcxin có gây bất kỳ tác dụng phụ nào và có tạo ra kháng thể giúp vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 hay không.
Giai đoạn hai của cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra tại các nước có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn, như Mexico và Brazil. Chuyên gia này cho biết nếu các cuộc thử nghiệm được sớm hoàn tất, những liều vắcxin đầu tiên sẽ được tung ra thị trường vào mùa Xuân tới.
Vắcxin GRAd-COV2 do Công ty ReiThera có trụ sở tại Rome phát triển. Vùng Lazio, bao quanh thủ đô Rome, cho biết các cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu, bao gồm trên động vật, đã cho các kết quả tích cực. Hiện các vắcxin tiềm năng phòng COVID-19 cũng đang được thử nghiệm tại một số nước như Ấn Độ, Anh, Nga và Trung Quốc./.