Hơn 157.500 tỷ đồng đầu tư kết cấu đường thủy giai đoạn 2021-2030

Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Vận tải đường thủy nội địa sẽ phát huy lợi thế vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo tờ trình phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn này khoảng 157.533 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 28.919 tỷ đồng (chiếm khoảng 18%); nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 128.614 tỷ đồng (chiếm khoảng 82%).

Danh mục đầu tư giai đoạn từ nay đến đến 2025 gồm nâng cao tĩnh không cầu Đuống trên hành lang Quảng Ninh-Hải Phòng-Việt Trì; kênh nối Đáy-Ninh Cơ; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển hành lang đường thủy nội địa và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ-đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia chính có lưu lượng lớn; đầu tư các cảng thuỷ nội địa trên các tuyến vận tải thuỷ chính.

Giai đoạn từ 2026-2030 nâng cấp 11 tuyến vận tải thuỷ nội địa chính trên toàn quốc; cơ bản hoàn thành việc cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ-đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia; đầu tư các cảng thuỷ nội địa trên toàn quốc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Để hoàn thành mục tiêu và kế hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, phí; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị và địa phương; có cơ chế chính sách đặc thù, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics thực hiện cung ứng dịch vụ vận tải thuỷ nội địa; hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển hoạt động của phương tiện vận tải sông biển (VR-SB) trên tuyến vận tải ven biển.

Bộ này cũng đưa ra giải pháp về huy động vốn đầu tư cân đối ưu tiên vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng (luồng, tuyến, đê, kè đường thủy nội địa) trọng yếu; đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư đặc biệt đối với cảng thuỷ nội địa; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa qua biên giới…

[Gỡ khó cho 'luồng xanh' vận tại thủy: Cần sự phối hợp đồng bộ]

Bộ Giao thông Vận tải đặt ra các mục tiêu cụ thể tới năm 2030 về khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 715 triệu tấn/năm, chiếm thị phần khoảng 16,2%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 397 triệu lượt/năm, chiếm thị phần khoảng 3,8%; tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, bền vững, kết nối chặt chẽ với hệ thống cảng biển, cảng cạn.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng quy hoạch hành lang vận tải thuỷ trong toàn quốc, gồm 9 hành lang: Hành lang ven biển (từ Quảng Ninh đến Kiên Giang); 4 hành lang khu vực miền Bắc (gồm Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội; Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình; Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai; Hà Nội-Nam Định-Ninh Bình); 4 hành lang khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh-An Giang-Kiên Lương; Tây Ninh-Thành phố Hồ Chí Minh-Bà Rịa Vũng Tàu, kết nối Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu); miền Trung thuộc hành lang ven biển kết nối với 11 tuyến chính là các sông có khả năng khai thác vận tải thủy, tạo sự đồng bộ về định hướng phát triển.

Quy hoạch toàn quốc có 55 tuyến vận tải chính, được hình thành trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài 7.300 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy khác như bến thủy nội địa, kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác. Các cảng đường thủy nội địa bao gồm 54 cụm cảng hàng hóa; 39 cụm cảng khách.

“Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải, với hạ tầng giao thông địa phương và quốc tế; phát huy lợi thế vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình, kết nối trực tiếp với hệ thống hạ tầng hàng hải, thuận lợi trong việc gom, giải tỏa hàng hóa tại cảng biển,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục