Theo Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai 53 dự án giao thông với tổng mức đầu tư là 103.311 tỷ đồng, chiếm 22% tổng kinh phí đầu tư cả nước, mức đầu tư cao nhất so với các vùng miền khác trong cả nước.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai 7 dự án sử dụng bằng ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn 5.416 tỷ đồng, đầu tư 33 dự án và tiểu dự án bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư là 40.673 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 32 dự án với tổng mức đầu tư 37.859 tỷ đồng.
Các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn nhất đó là 7 dự án sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư là 52.686 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng là 9.802 tỷ đồng, bao gồm dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (dự án WB5), dự án đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1, dự án cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh; dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, dự án thay thế 27 cầu yếu trên Quốc lộ 1.
Ngoài ra, Bộ cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ODA để xây dựng tuyến hành lang ven biển giai đoạn 2 từ Rạch Giá đi Hà Tiên với tổng mức đầu tư 360 triệu USD, dự án xây dựng đường tránh Thành phố Long Xuyên và cầu Đại Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng....
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong khu vực, bên cạnh đầu tư các dự án bằng các nguồn vốn nói trên, Bộ Giao thông Vận tải còn tích cực thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đến nay, bộ đã kêu gọi thành công các doanh nghiệp đầu tư triển khai 5 dự án theo hình thức BOT trong vùng với tổng mức đầu tư là 7.118 tỷ đồng...
Dự kiến trong giai đoạn từ 2015-2020, bộ tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trong vùng như tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận-Cần Thơ, cầu Đại Ngãi, xây dựng tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Mỹ An-Vàm Cống, đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2, Quốc lộ 63 đi qua địa phận Cà Mau, Kiên Giang, tuyến N1, đường Hồ Chí Minh đoạn Gò Quao-Vĩnh Thuận, hoàn thành các tuyến quốc lộ còn lại trong vùng... với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 64.000 tỷ đồng.
Dự án tiến hành nạo vét hệ thống đường thủy nội địa có tổng nguồn vốn là 6.500 tỷ đồng. Dự án nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia, xây dựng cảng chuyên dùng để nhập than cho các nhà máy nhiệt điện phía Đông và Tây, xây dựng các cảng tiềm năng cho tàu biển lớn ngoài sông Hậu, cảng tàu khách du lịch ở đảo Phú Quốc với kinh phí đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn cần phải huy động để đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 87.000 tỷ đồng, trong đó không bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện./.