Hơn 1.000 thanh niên thủ đô tham gia “Ngày hội thanh niên”

Chiều nay 10/12, hơn 1.000 thanh thiếu niên Hà Nội đã tham dự “Ngày hội thanh niên,” một trong 43 hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.”
Hơn 1.000 thanh niên thủ đô tham gia “Ngày hội thanh niên” ảnh 1"Đừng vung tay, hãy cầm tay" là khẩu hiệu hành động của ngày hội. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Chiều nay 10/12, hơn 1.000 thanh thiếu niên Hà Nội đã tham dự “Ngày hội thanh niên” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFA) tổ chức tại công viên Thống Nhất.

“Ngày hội thanh niên” là một trong 43 hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” do Liên hợp quốc tại Việt Nam phát động từ ngày 18/11 đến ngày 16/12.

Phát biểu tại “Ngày hội thanh niên,” ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Có quá nhiều người coi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề riêng của phụ nữ, nhưng tôi khẳng định rằng đây là vấn đề của nam giới. Nam giới có trách nhiệm đối với hầu hết các trường hợp bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy, nam giới là cốt lõi để giải quyết các vấn đề này và họ phải đi đầu trong việc thay đổi xã hội.”

Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trẻ vô cùng đông đảo. “Ngày hội thanh niên” là sân chơi vô cùng thú vị cho giới trẻ giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và cùng nhau chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn kêu gọi các cấp bộ Đoàn, hội tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lồng ghép vào sinh hoạt định kỳ…

Theo kết quả nghiên cứu của Liên hợp quốc về thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam: Chi phí, thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Khoảng 50% nạn nhân của bạo lực gia đình cho biết họ chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng, 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Kết quả nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đã có khung pháp luật chặt chẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách giữa thực thi pháp luật và mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả thực hiện luật pháp, nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục