Hơn 100 nước được tiếp nhận vaccine COVID-19 theo cơ chế COVAX

Dự kiến trong khuôn khổ COVAX, các liều vaccine sẽ được phân phối tới tất cả các nền kinh tế có yêu cầu cung cấp vaccine trong sáu tháng đầu năm 2021.
Vaccine ngừa COVID-19 được chuyển tới Yemen theo cơ chế COVAX, tại Aden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Liên minh vaccine toàn cầu GAVI và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 8/4, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã phân phối gần 38,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi cơ chế này bắt đầu tiến hành hoạt động cung cấp vaccine hồi tháng Hai.

Tuyên bố của WHO và Liên minh vaccine GAVI cho biết bất chấp nguồn cung vaccine có sẵn bị giảm trong tháng Ba, tháng Tư và nhu cầu về vaccine ở Ấn Độ tăng cao, dự kiến trong khuôn khổ COVAX, các liều vaccine sẽ được phân phối tới tất cả các nền kinh tế có yêu cầu cung cấp vaccine trong sáu tháng đầu năm 2021.

Theo dự báo mới nhất về nguồn cung, COVAX dự kiến phân phối ít nhất 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021.

Liên minh GAVI và WHO sẽ đa dạng hóa vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh chương trình COVAX do hai cơ quan này thúc đẩy, dựa chủ yếu vào các vaccine của AstraZeneca và Pfizer&BioNTech.

[Vaccine phân bổ cho các nước châu Phi theo chương trình COVAX]

Cùng ngày, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Phi, John Nkengasong cho biết Liên minh châu Phi (AU) đã từ bỏ kế hoạch mua vaccine ngừa COVID-19 do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất và đang nghiên cứu các lựa chọn khác với vaccine của hãng Johnson&Johnson.

Phát biểu với báo giới, ông Nkengasong cho biết Viện Serum sẽ vẫn cung cấp vaccine AstraZeneca cho châu Phi theo cơ chế COVAX. Tuy nhiên, AU sẽ tìm nguồn cung bổ sung từ hãng dược phẩm Johnson&Johnson.

AU đưa ra tuyên bố trên sau khi Cơ quan dược phẩm Anh ngày 7/4 công bố báo cáo về vaccine của AstraZeneca, trong đó cũng khẳng định hiện tượng xuất hiện huyết khối hiếm gặp trong não chỉ là phản ứng phụ có thể gặp phải khi tiêm vaccine này, và phản ứng phụ này cũng xuất hiện rất ít.

Kết luận của cơ quan này cũng đồng nhất với kết quả báo cáo do Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) công bố, theo đó khẳng định lợi ích từ vaccine AstraZeneca đối với đa số mọi người lớn hơn nhiều so với các nguy cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục