Hơn 100 điều dưỡng viên Việt Nam được cấp pháp làm việc tại Đức

Hơn 95% số cơ sở đào tạo điều dưỡng của Đức đánh giá cao tinh thần học tập chăm chỉ và chịu khó của học viên Việt Nam và mong muốn tiếp tục được nhận và đào tạo học viên từ Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức vừa tổ chức hội thảo tổng kết và đánh giá kết quả dự án thí điểm đào tạo điều dưỡng viên do Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, lãnh đạo GIZ, tổ chức đào tạo VIVANTES cũng như các em học sinh, sinh viên Việt Nam đang tham gia chương trình đào tạo điều dưỡng viên của dự án.

Dự án thí điểm đào tạo điều dưỡng viên do GIZ thực hiện ở Việt Nam từ 2012 đến nay đã có 200 học viên Việt Nam được tuyển chọn, trong đó hơn 100 em đã hoàn thành khóa học và được cấp giấy phép lao động tại Đức.

Theo đánh giá của phía Đức, dự án đã thành công và tạo ra được mô hình đào tạo nghề tiêu chuẩn, có thể áp dụng và nhân rộng sang các ngành nghề khác.

[Thúc đẩy hợp tác y tế Việt Nam và bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức]

Hơn 95% số cơ sở đào tạo điều dưỡng của Đức tham gia chương trình đánh giá cao tinh thần học tập chăm chỉ và chịu khó của học viên Việt Nam và mong muốn tiếp tục được nhận và đào tạo học viên từ Việt Nam.

Trong bối cảnh nước Đức đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng đi kèm nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ngày một tăng cao, việc đào tạo và tuyển dụng lao động trong lĩnh vực chăm sóc y tế đã trở thành một nội dung quan trọng của Chính phủ Đức.

Theo mục tiêu của Chính phủ Đức, đến hết năm 2021, nước này sẽ đào tạo và tuyển dụng thêm 8.000 đến 13.000 điều dưỡng viên từ nguồn lao động tại chỗ cũng như từ các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Đức nhấn mạnh những cơ hội to lớn về hợp tác giữa Đức và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và trao đổi lao động.

Theo ông, Việt Nam hiện đang có cơ cấu dân số vàng với trên 63 triệu người ở độ tuổi lao động, tương đương 68,7% dân số. Không những thế, một số nét tính cánh đặc trưng của người Việt như cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi và đặc biệt là thái độ đối ứng xử nhân văn, đúng mực với người cao tuổi không chỉ được Đức mà còn các nước đối tác khác của Việt Nam thừa nhận và đánh giá cao.

Đây chính là những phẩm chất cần thiết để thực hiện tốt công việc của một điều dưỡng viên.

Ngoài hợp tác ở cấp liên bang, các bang của Đức thời gian qua cũng tăng cường, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Trong các chuyến thăm Việt Nam nửa đầu năm 2018 của lãnh đạo các bang Hamburg, Bremen, Rheinland Pfalz, Mecklenburg-Vorpommern, một vấn đề chung mà phía Đức nêu ra đó là thúc đẩy hợp tác trong lao động, đào tạo nghề, trong đó có đào tạo điều dưỡng viên với Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tráng, bên cạnh những cơ hội, còn một số thách thức mà các học viên Việt Nam nói chung gặp phải khi muốn học nghề tại Đức. Đó là vấn đề công nhận bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam cũng như vấn đề cấp thị thực cho các học viên Việt Nam muốn sang học tập và đào tạo nghề tại Đức khi yêu cầu phải có trình độ tiếng Đức B2 tại Việt Nam.

Thực tế, rất ít cơ sở đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam có khả năng cung cấp chứng chỉ đào tạo trình độ tiếng Đức B2. Điều này đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên, đặc biệt từ phía Đức, trong việc xem xét đơn giản hóa các thủ tục, yêu cầu về nhập cảnh...

Việt Nam hiện đã có nhiều thỏa thuận về đào tạo, chuyển giao công nhân lành nghề với hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Bỉ và có trên 53.000 người lao động, công nhân đang làm việc tại 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục