Hơn 10 tỉnh ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch Bắc-Nam Trung bộ

Ngày 20/2, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ”.
Hơn 10 tỉnh ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch Bắc-Nam Trung bộ ảnh 1Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ”, ngày 20/2. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 20/2, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc-Nam Trung bộ”.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo 14 tỉnh vùng Bắc-Nam Trung bộ đã ký Biên bản hợp tác Liên kết phát triển du lịch vùng.

Phát biểu chỉ đạo, Giáo sư, tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương biểu dương cố gắng của các tỉnh trong phát triển du lịch. Đồng chí nhấn mạnh, Văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội đã kỳ vọng, phấn đấu rồi đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Tuy nhiên, sản phẩm du lịch vùng hiện còn thiếu tính độc đáo, thiếu sự đa dạng, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, chắp vá, kể cả những địa bàn trọng điểm,” ông Huệ nhấn mạnh.

Hơn 10 tỉnh ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch Bắc-Nam Trung bộ ảnh 2Giáo sư, tiến sỹ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để phát triển du lịch vùng, các tỉnh trong vùng cần nhận thức tiềm năng, lợi thế tĩnh, lợi thế động của các tỉnh trong vùng. Cụ thể, cần nêu rõ thực trạng của 14 tỉnh trong vùng, đặc biệt là hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch.

Ông Huệ chỉ rõ, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ mang tính văn hóa rất cao, mang tính tổng hợp và liên ngành rất sâu sắc, gắn với phát triển dịch vụ, làng nghề. Miền Trung giàu tiềm năng lợi thế không chỉ vì thiên nhiên mà còn về văn hóa lịch sử, cần nhận thức hết lợi thế kinh tế của ngành du lịch, vì vậy cần đặt trong quy luật kinh tế thị trường. Theo đó, du lịch phải nương tựa vào giao thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…, do vậy phải có sự phối hợp giữa các ngành để phát triển. 

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường cho biết, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là 2 trong 7 vùng du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là những vùng có nhiều tiềm năng du lịch quan trọng. Hệ thống sản phẩm du lịch của cả vùng Bắc và Nam Trung Bộ đều đã cơ bản phát triển, hình thành hình ảnh trong thị trường.

Song ông Đường cũng chỉ ra, việc liên kết khai thác các sản phẩm du lịch chưa được các tỉnh triển khai mạnh mẽ. Trong khi, liên kết để phát triển du lịch là xu thế phát triển chung của Việt Nam.

Tại Hội thảo, hơn 30 tham luận nhìn chung đề cập tới ba chủ đề chính, đó là lợi thế và vai trò các địa phương trong liên kết phát triển du lịch Bắc-Nam Trung bộ, định hướng chiến lược phát triển và liên kết phát triển du lịch bộ và các giải pháp liên kết phát triển du lịch của khu vực.

Hơn 10 tỉnh ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch Bắc-Nam Trung bộ ảnh 3Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra từ mùng 9/1 đến 12/1 Âm lịch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cụ thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhận thức phát triển du lịch, hiện trạng, xu hướng và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam Bắc-Nam Trung bộ. Qua đó, Hội thảo đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp then chốt, xác định những việc cần làm ngay để tạo chuyển biến, khai thác tiềm năng cho ngành du lịch Bắc-Nam Trung bộ, xây dựng một khung thể chế cho du lịch vùng để phát triển bền vững.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV cho rằng, khu vực Bắc-Nam Trung bộ có một nền văn hóa lâu đời, có lịch sử truyền và nhiều di tích, danh thắng được thế giới công nhận, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

“Tuy nhiên, kết quả phát triển du lịch còn thấp, thời gian lưu trú thấp, thiếu các sản phẩm độc đáo nên doanh thu du lịch của vùng còn thấp so với cả nước. Bên cạnh đó còn thiếu tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, hạ tầng yếu kém.

Đặc biệt, giao thông vẫn chưa đáp ứng được sự di chuyển của khách du lịch. Nguyên nhân, do địa phương chưa nhận thức đúng về liên kết du lịch trong nội vùng. Cần tạo lập không gian du lịch chung nhất thể hóa và là vùng kinh tế động lực chung của vùng. Cần đẩy mạnh kết nối du lịch với các vùng khác trong cả nước và với quốc tế,” ông Hà nói.

Các ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra các phương án nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp du lịch và sức cạnh tranh trong phát triển du lịch đồng thời đề xuất ý tưởng, giải pháp để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục