Hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện năm 2020

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện.
Hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện năm 2020 ảnh 1Dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước vẫn được giữ vững và ổn định. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp tới kinh tế của nhiều nước trên thế giới, song với nhiều giải pháp linh hoạt và kịp thời, việc tổ chức các hội chợ trực tuyến (online)... đã trở thành giải pháp hữu hiệu thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến.

[Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc giới thiệu nhiều sản vật Nam Định]

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tiến hành các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà.”

Từ những giải pháp này, trong năm 2020 Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến.

Ngoài ra có trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục.

“Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp các thị trường; huy động toàn bộ hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa trong hoàn cảnh không thể thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tiếp,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đáng chú ý, những giải pháp trên đã góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực thương mại, giúp hoạt động xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương về xuất khẩu.

Với những kết quả nổi bật này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mới đây, một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

"Đây không phải là kết quả mới mà liên tục 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng một cách vững chắc nhờ những nỗ lực của Việt Nam về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19, Việt Nam nổi lên là 'thiên đường' sản xuất mới tại Đông Nam Á với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP," Thủ tướng nêu rõ.

Thị trường trong nước ổn định

Cùng với xuất khẩu, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tại, bão lụt tác động trực tiếp đến sản xuất-kinh doanh của hàng loạt các doanh nghiệp thì thị trường trong nước vẫn được giữ vững ổn định, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện năm 2020 ảnh 2Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, kết nối giao thương giữa các địa phương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay các cơ quan chức năng đã xúc tiến triển khai nhiều chương trình kích cầu trong nước để nâng cao tổng cầu, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Cụ thể, từ đầu năm tới nay, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa như các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước, các chương trình khuyến mại tập trung, chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thương mại trong nước từng bước được củng cố và phát triển, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo hệ thống phân phối. Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 94 chợ đầu mối; trên 8.500 chợ truyền thống; gần 1.100 siêu thị; 240 trung tâm thương mại; 69 trung tâm logistics và trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, tạo chuỗi lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt, thuận lợi trên cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các hoạt động thương mại điện tử cũng được xem xét, đổi mới và tập trung thúc đẩy để tạo động lực mới mạnh mẽ cho phát triển thương mại cả nước.

Đơn cử là việc xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử; thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý và bán hàng thông minh... nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.

Để đạt mục tiêu đề ra trong 2021, về phía địa phương, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị cần tiếp tục có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng và tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế.

“Đây là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây nên,” ông Phan Ngọc Thọ đề xuất thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục