Hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3-6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp đợt này.
Học sinh lớp 1 trong ngày đầu đến trường. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Sáng 14/2, hơn 1 triệu trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đi học lại sau 9 tháng ở nhà học online để phòng, chống dịch COVID-19.

Học sinh từ lớp 7 đến 12 ở thành phố đã đến trường trước đó.

Các học sinh khối mầm non, tiểu học và lớp 6 là lứa tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, cũng là nhóm học sinh mà Thành phố Hồ Chí Minh cho quay trở lại trường muộn nhất.

Mặc dù còn khá lo lắng vì dịch bệnh nhưng đa phần phụ huynh cho biết mong muốn con đi học lại. Nhiều học sinh bày tỏ sự háo hức khi được quay lại trường lớp gặp thầy cô, bạn bè.

Tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), dù 7 giờ 30 phút mới bắt đầu tiết học nhưng từ 6 giờ 30 phút ngày 14/2, nhiều phụ huynh đã đưa con em đến trường để các em có thời gian trò chuyện với bạn bè, hỏi thăm thầy cô.

Ban Giám hiệu nhà trường cùng các giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và các cô bảo mẫu đón học sinh tại cổng trường, hướng dẫn các em thực hiện rửa tay sát khuẩn và đưa từng em lên phòng học.

Sau khi ổn định chỗ ngồi, giáo viên chủ nhiệm các lớp bắt đầu buổi học bằng tiết sinh hoạt để dặn dò học sinh về kế hoạch học tập và những biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Tuyết Loan, phụ huynh có con học lớp 2 tại Trường Tiểu học Hòa Bình chia sẻ hôm nay, con chị rất háo hức và dậy sớm mong được đến trường gặp cô giáo và các bạn. Về việc thực hiện 5K, chị cùng gia đình đã tập cho con ở nhà, tạo thói quen đeo khẩu trang không cần đợi cô giáo nhắc nên rất yên tâm.

Thầy Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình cho biết hôm nay, trường tổ chức tập trung cho học sinh khối 1 và 2 vì các em còn nhỏ nên được ưu tiên làm quen trường lớp trước.

Đặc biệt với khối lớp 1, đây là lần đầu tiên các em được đến trường kể từ khi năm học bắt đầu nên giáo viên cần có thời gian để hướng dẫn học sinh về môi trường của nhà trường, những vị trí trong nhà trường và cách phòng chống dịch.

Ngày mai (15/2), tất cả các khối lớp còn lại sẽ tập trung. Qua tham khảo, hơn 90% phụ huynh của trường đồng ý cho con em đi học lại.

Theo thầy Lý Văn Huệ, nhằm tránh tập trung đông, nhà trường chia các khối theo ca sáng và ca chiều, giờ vào học và ra về của từng khối trong mỗi ca cũng chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm cách nhau 15 phút.

Hiện trường chưa có kế hoạch tổ chức học bán trú do còn phải theo dõi số lượng học sinh đến trường, tình hình dạy và học thực tế, đồng thời tập hợp, điều phối lại lực lượng bảo mẫu, cấp dưỡng.

Đối với các học sinh chưa được phụ huynh đồng ý cho đi học lại, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian để dạy bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo các em theo kịp bài vở.

Về công tác phòng dịch, nhà trường đảm bảo học sinh thực hiện rửa tay khử khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường và hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà trường tiến hành tập huấn cho giáo viên về quy trình xử lý khi phát hiện F0 trong lớp, chuẩn bị sẵn phòng để cách ly F0 và giữ liên lạc với cơ quan y tế địa phương.

Bên cạnh đó, trường tổ chức hai buổi sinh hoạt với phụ huynh để phổ biến quy trình phòng dịch, hướng dẫn việc lưu ý tình trạng sức khỏe của con em và báo ngay cho trường khi xuất hiện dấu hiệu bất thường.

Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Tân Phú), sáng 14/2, hàng trăm học sinh khối 1 đã tập trung tại trường để tham quan, làm quen với trường lớp, thư viện, bộ phận y tế và nề nếp ở trường trước khi chính thức vào học.

Theo cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, từ ngày 14 đến 18/2, trường bố trí các khối lớp đến trường theo ngày để làm quen lại với các tình huống phòng chống dịch. Từ ngày 21/2, học sinh tất cả các khối lớp đều đến trường.

Trước đó, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã tổ chức cho phụ huynh các khối lớp tham quan và thực hiện quy trình vào trường như của học sinh thực hiện khi đến trường.

[TP Hồ Chí Minh chuẩn bị tốt cho bậc mầm non, tiểu học trở lại trường]

Phụ huynh được tham gia tập huấn và diễn tập các tình huống giả định có F0 trong trường, trong lớp cũng như các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện 5K. Trường trang bị 6 máy đo thân nhiệt tự động và mua sắm đầy đủ nước sát khuẩn, bố trí phòng dịch theo phân luồng ra vào học sinh.

Sáng 14/2, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) để động viên tinh thần các thầy, cô giáo và học sinh trong ngày đầu tiên trở lại trường học.

Đi kiểm tra cơ sở vật chất của nhà trường, các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý các thầy, cô giáo cần phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn phụ huynh thật kỹ lưỡng để chuẩn bị cho con em đi học an toàn, khi thấy học sinh có biểu hiện sức khỏe bất thường cần báo ngay cho giáo viên. Việc hướng dẫn phải thật khéo léo để phụ huynh yên tâm cho con em đi học, không hoang mang, lo lắng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3-6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp đợt này. Theo kế hoạch của Sở, học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Đối với các học sinh đi học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh chưa học trực tuyến hoặc có học trực tuyến nhưng không đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực. Những học sinh chưa đi học trực tiếp sẽ tiếp tục học từ xa, hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên tiểu học dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch COVID-19 tại trường; xây dựng nề nếp học tập, phân loại học sinh theo từng nhóm căn cứ vào khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh; tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học sinh học qua mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục