Hôm nay, Chính phủ trình Quốc hội dự án Bộ Luật Lao động-sửa đổi

Trong ngày làm việc 29/5, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình bày tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới.
Hôm nay, Chính phủ trình Quốc hội dự án Bộ Luật Lao động-sửa đổi ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tiếp theo, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

[Đề xuất giờ làm việc cơ quan Nhà nước: Để địa phương tự thống nhất]

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Việc sửa đổi Bộ luật nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.

Dự thảo luật trình Quốc hội xin ý kiến tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm giờ tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày thương binh, liệt sỹ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu Quốc hội dành cả chiều 29/5 thảo luận tại tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục