Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Hôm nay, Bộ Giáo dục trình Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Hôm nay, ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Hôm nay, Bộ Giáo dục trình Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Hôm nay, ngày 29/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Sửa đổi để phù hợp thực tiễn

Theo Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án Luật nhằm phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục (2005) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009).

Qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án Luật còn nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập.

Quan điểm này được thể hiện tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng(khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự án Luật cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Do Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nên cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể là phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013; các bộ luật và luật được ban hành gần đây như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Phí và lệ phí năm 2015… và Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Theo đó, so với Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi có những điều chỉnh đáng chú ý.

Điểm mới nhất phải kể đến là việc sẽ bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định.

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm sẽ do Chính phủ quy định.

[Nhân lực ngành sư phạm: Trả học phí không quan trọng bằng đầu ra]

Quy định miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm được áp dụng từ năm 1997, nhằm thu hút người giỏi vào sư phạm, và đã đạt những hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, chính sách này không còn hiệu quả, nhiều người học sư phạm ra không theo nghề, gây lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước.

Bên cạnh đó, người giỏi cũng không còn mặn mà với ngành học này do đầu ra quá khó khăn. Điểm chuẩn vào ngành sư phạm ngày càng giảm. Mùa tuyển sinh năm 2017, nhiều trường sư phạm đã lấy điểm sàn chạm đáy, chỉ bằng điểm đầu vào tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nhiều trường cao đẳng chỉ lấy điểm chuẩn 9 điểm cho ba môn, trung bình mỗi môn 3 điểm, nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thay đổi chính sách miễn học phí nhằm hạn chế việc lãng phí ngân sách nhà nước.

Hôm nay, Bộ Giáo dục trình Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 2Theo dự thảo Luật Giáo dục, sẽ có nhiều sách giáo khoa và cả sách giáo khoa điện tử (Ảnh: TTXVN)

Sẽ có sách giáo khoa điện tử

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có nhiều điều chỉnh để phù hợp với Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Cụ thể, dự thảo Luật có sửa đổi mục tiêu giáo dục. Bên cạnh mục tiêu “tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế,” dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung mục tiêu: “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”, và đáp ứng “yêu cầu hội nhập quốc tế.”

Hệ thống giáo dục cũng được nhấn mạnh sẽ là một hệ thống mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời.

Giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.

Dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa nội dung một chương trình, nhiều sách giáo khoa, theo tinh thần của Nghị quyết 29. Theo đó, sách giáo khoa sẽ không còn mang tính pháp định và thống nhất toàn quốc như hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ ban hành chương trình chung và thực nghiệm trước khi ban hành. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học. Chương trình cũng quy định những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; phương pháp,hình thức tổ chức hoạt động giáo dụcvà đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Sách giáo khoa gồm sách in và sách giáo khoa điện tử.

Mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành Chương trình giáo dục, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nâng chuẩn giáo viên

Dự thảo Luật Giáo dục bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chuẩn giáo viên được nâng lên. Theo đó, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học là trình độ đại học. Chuẩn trình độ giảng viên là thạc sỹ.

Bên cạnh Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nhà giáo nhằm khẳng định vị thế của nhà giáo trong Luật Giáo dục.

Các chính sách đối với trường ngoài công lập cũng có nhiều điều chỉnh, gồm chế độ tài chính; quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn nhằm khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.

So với bản dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lần đầu, dự thảo lần này có nhiều điều chỉnh những nội dung quan trọng, như bỏ việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, bỏ quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Đây vốn là những nội dung rất được cán bộ, giáo viên mong đợi, tuy nhiên nhiều ý kiến nhận định chưa phù hợp với thực tiễn ngân sách quốc gia./.

Ý kiến về việc bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục