Một nữ tình nguyện viên người Việt Nam bị đóng cọc ghim sâu cả cơ thể xuống đường nhựa. Những hố chôn người tập thể với hàng trăm xác người đang quá trình phân hủy, bốc lên thứ mùi hôi thối kinh khủng. Một đứa bé trần truồng giữa cánh đồng cát, gầy trơ xương, lết đi xin ăn, thấy bộ đội tình nguyện Việt Nam chỉ biết rơi nước mắt.
Những hình ảnh về mảnh đất đầy bụi cát Campuchia gần 40 năm trước, Vũ Duy Thông, nguyên phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã chứng kiến tận mắt và chính ông không nghĩ nó lại lưu lại trong tâm trí của mình rõ nét tới như vậy tới tận bây giờ.
Kể cho chúng tôi câu chuyện của một thời lửa đạn, đã nhiều lúc, người phóng viên chiến trường thuở nào phải ngừng lại giữa chừng, không phải vì ông không còn minh mẫn, ngược lại, mọi thứ như cuốn phim quay chậm, kéo ông về những năm tháng xưa.
[Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia]
Cuốn phim ấy nhắc ông nhớ về nỗi ám ảnh lớn nhất với bản thân mình khi ấy, không hẳn là những hình ảnh rợn người về cái chết, trên tất cả, đó là tình cảm, lòng mong mỏi giữa người với người, giữa bộ đội, người dân Việt Nam và những người Campuchia đang sống trong những ngày tháng đen tối nhất lịch sử.
“Lúc đó, chỉ nghĩ tới một điều là làm sao giải phóng Campuchia,” người phóng viên nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại.
Con đường… vừa đi vừa đẩy
Năm 1978, thông tin trong nước nóng ran về việc lính Pol Pot đốt phá nhà cửa, giết hại dân lành, điển hình là vụ Ba Chúc đau thương ở tỉnh An Giang.
Cũng thời điểm ấy, Vũ Duy Thông, khi đó là một phóng viên ngoài 30 tuổi của Thông tấn xã Việt Nam loáng thoáng nghe được tin, cơ quan đang lên danh sách cử phóng viên đi hỗ trợ nước bạn thành lập Thông tấn xã Campuchia SPK.
Không chỉ một mình ông, nghe được tin này, ai cũng hăng hái xung phong muốn đi. Thế nhưng, không phải ai cũng có hoàn cảnh khó khăn như ông Vũ Duy Thông thời điểm ấy.
“Hoàn cảnh tôi khi ấy khó lắm, bố thì bị tai biến nằm liệt giường, mẹ đau yếu, vợ tôi hồi ấy lại đang học trường Nguyễn Ái Quốc, vừa học vừa chăm hai con nhỏ,” ông nhớ lại.
[Những bản tin tự do đầu tiên phát đi dưới tiếng vọng rền đại pháo]
Chính vì hoàn cảnh ấy, người phóng viên già bảo, ông vốn không trong danh sách được đi. Thế nhưng, bằng tất cả tấm lòng của mình, ông mạnh dạn lên xin lãnh đạo và làm đơn tình nguyện xin đi.
Ông cũng nhớ, thời điểm trước khi lên đường, nhóm phóng viên trong đó có ông được phát cho tăng, túi bạt, ít tem phiếu để ra lĩnh vừng, cơm nắm và đặc biệt là cả túi nilon để… nếu hy sinh thì cho xác vào đó.
Người phóng viên kỳ cựu vẫn nhớ chuyến đi đầu tiên của mình từ Thành phố Hồ Chí Minh sang đất Campuchia. Đất nước Chùa Tháp khi ấy vào mùa khô, những cánh đồng chốc chốc lại cuốn những đám bụi đắng nghét phả vào mặt người qua đường.
Cánh phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vẫn nhớ, giữa lúc cả đoàn vừa đi vừa lo lún cát thì trớ trêu làm sao, chiếc xe Jeep chở anh em nhà báo giữa đường giở chứng chết máy. Vứt lại giữa đường thì không được, chiến sỹ Quân đoàn 2 lúc ấy đã phải để xe của cánh phóng viên chèn vào giữa đội hình, dành riêng một chiếc xe khác vừa đi vừa đẩy.
“Ngồi trên xe, nhìn sang hai bên, trong bóng tối lờ mờ, nhìn thấy những rừng dừa, rừng thốt nốt chìm trong màn sương đêm. Ở đó có thể là người dân bao nhiêu năm bị kìm kẹp đang chờ giải phóng. Ở đấy cũng có thể là địch, những tên lính Khmer Đỏ thiện chiến, quần áo đen, chân đất, trang bị AK hoặc súng phóng lựu,” người phóng viên sinh năm 1944 hồi tưởng.
[Chuyện về những vali rau tiếp viện cho chiến trường Campuchia]
Vừa thoát khỏi con đường cát, ông Thông kể, đoàn ông bị rơi vào trận địa cối của địch. Chiếc xe đi đầu đoàn bị bắn tung, chỉ sau đó ít giây, một loạt cối khác giã vào những người đi sau. Những quả đạn chỉ đào lên chiếc hố to bằng chiếc mũ cối nhưng điều đáng sợ là khi phát nổ, hàng trăm mảnh gang sẽ văng lên theo hình chiếc nón ngược. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam may mắn trong cuộc tập kích chớp nhoáng ấy, lành lặn đi tiếp nhưng có những người lính không may mắn được như thế.
Cô bé mồ côi và miệng giếng nuốt xác
Ngồi lại với chúng tôi khi cuộc chiến ở nước bạn đã lùi xa, vị phóng viên ngày nào vẫn cười bảo, đã có những lúc đạn cối nổ ngay sát người, may có chiếc hầm cá nhân nông choèn cứu mạng ông. Thế nhưng, kể cả những lúc ấy, ông Thông vẫn bảo, cảm giác ấy không ám ảnh ông nhiều. Ông đã chứng kiến những hình ảnh khó quên hơn thế.
Đó là khi quân đoàn đi qua khu vực chiến sự với lính Pol Pot. Cả đoàn người đã lặng đi khi phải chứng kiến một nữ tình nguyện viên bị địch giết rồi đóng cọc gỗ xuyên qua người, cắm xuống nền đường nhựa.
Ông cũng nhớ lần đi viết bài về hố chôn người tập thể ở Kampong Cham. Lần ấy, để tận mắt có những hình ảnh xác thực nhất, ông cùng nhiếp ảnh gia Bùi Tiến Lợi đã nhờ bằng được một người thợ cắt tóc dẫn vào rừng cao su tìm hố chôn người.
Ông Thông nhớ rõ, cả nhóm dùng tay trần bới từng đám lá cao su dày lẫn đất. Một thoáng, hình ảnh mà ông vẫn thấy rùng mình tới tận bây giờ nhanh chóng hiện ra trong tầm mắt. Một chiếc hố chỉ rộng cỡ miệng giếng nhưng có cả trăm xác người chồng chất lên nhau. Những xác người còn thấy rõ cả tóc, quần áo, chưa phân hủy hết, bốc lên thứ mùi thối đến choáng váng đầu óc.
Ông không thể nào quên hình ảnh người đàn ông cắt tóc nọ, quấn khăn rằn che kín miệng, mũi, phía dưới ông là la liệt những chiếc đầu lâu thủng lỗ chỗ. Hình ảnh này sau đó được truyền đi đã làm rúng động không biết bao nhiêu người xem và đã có mặt ở hầu hết những cuốn sách ảnh về Campuchia.
Thế nhưng, cũng có những hình ảnh, dù không nổi tiếng nhưng vẫn mãi lưu giữ trong tâm trí Vũ Duy Thông. Đó là khi ông bắt gặp một bé gái Campuchia gầy guộc, mắt nhèm gỉ bên vệ đường. Cô bé bảo bố mẹ mất cả trong cuộc chiến, một mình em lang thang qua nhiều làng xóm, hố chôn người, gặp người thì xin ăn sống qua ngày.
“Bé gái thấy bộ đội Việt Nam thì sợ và khóc. Mình phải hỏi bằng tiếng Campuchia bé mới kể chuyện,” ông Thông bồi hồi.
Mong ước hồi sinh từ đám cưới thùng phuy
Vũ Duy Thông tới chiến trường Campuchia khi tuổi đã ngoài 30, không phải cậu thanh niên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp chân ướt chân ráo mới ra trường thuở nào. Chính ông cũng đã có những năm tháng lăn lội đưa tin tại chiến trường từ Quảng Ninh, Thái Nguyên tới Hà Tĩnh. Thế nhưng, trên đất nước Campuchia, người thanh niên rắn rỏi năm nào bảo, ông vẫn không thể cầm lòng khi thấy những phận người như cô bé mồ côi gầy gò bên vệ đường Campuchia.
Và cũng chắc bởi thế, có những câu chuyện đã theo trang viết của ông gửi về nước nhưng có những hình ảnh ông không nỡ cầm bút.
Ông Thông vẫn nhớ những đêm trắng lang thang ở Phnom Penh. Cả thành phố, ngoài bộ đội Việt Nam thì hầu như không một bóng người dân Campuchia. Trong một căn nhà nhỏ, ông tìm thấy một tờ lịch đã phủ kín bụi. Ngày tháng trên lịch từ cách đó khoảng 3 năm, đó có lẽ là ngày chủ nhà vội vã trốn đi hoặc phải ra đi trong tư thế bị gí súng vào đầu.
Hình ảnh rất đỗi bình thường trong mắt nhiều người nhưng với người đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau như ông Thông, tờ lịch chưa xé ấy cũng xót xa chẳng kém những cái chết.
Số phận của người chủ nhà nọ không biết có may mắn thoát chết không, chính ông Thông tới tận bây giờ cũng không biết. Thế nhưng, ông bảo, đã có hàng triệu người mãi mãi không thể trở về căn nhà nhỏ của mình.
Ngồi lặng lại trước mặt chúng tôi, người phóng viên chiến trường năm nào bảo, ông không nhớ bản thân ông đã viết bao nhiêu tin, bài gửi trong những năm tháng ở Campuchia.
Thế nhưng, ông nhớ nhất về một bài báo ông viết trên đất nước bạn. Đó không phải về sự ác liệt của chiến tranh, hay về một câu chuyện thương tâm mà ông đã chứng kiến tận mắt, mà đơn giản là về một đám cưới vùng quê nghèo.
Đám cưới của đôi nam nữ người Campuchia không có hoa, có váy và cũng chả có bữa cỗ nào. Nói đúng hơn, đám cưới ấy chẳng có gì ngoài những chiếc thùng phuy mà mọi người dùng để gõ thay trống và điệu múa truyền thống chúc mừng đôi vợ chồng trẻ.
Giữa những cánh đồng chết đầy xác người, đám cưới giản dị ấy ông Thông bảo, đó mãi là những hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí ông. Đó là biểu tượng chân thực nhất cho sự hồi sinh của người dân Campuchia sau những tháng ngày cai trị đẫm máu của chế độ diệt chủng Pol Pot./.