“Mùa chinh chiến ấy” (Đoàn Tuấn) và “Lính Hà” (Nguyễn Ngọc Tiến) là hai cuốn sách về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, về chiến trường K (Campuchia) được viết bởi chính những người từng đi qua cuộc chiến.
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1977-1979 và quãng thời gian 10 năm sau đó quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (để truy quét tàn quân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ) được những người cựu binh gộp chung vào một miền ký ức mang tên “chiến trường K.”
Cũng bởi được viết dưới dạng “hồi ức chiến binh” nên những câu chuyện, chi tiết trong “Mùa chinh chiến ấy” và “Lính Hà” được chắc lọc từ những trải nghiệm xương máu của những người trong cuộc.
Nhân vật “tôi” trong hai tác phẩm cũng chính là các tác giả - những người lính đã hành quân qua những dặm dài heo hút, vượt núi rừng hiểm trở để đến “xứ sở chùa tháp,” thực hiện nghĩa vụ quốc tế và để lại một phần máu thịt tuổi trẻ trên mảnh đất này.
Bởi thế, những trang viết luôn đầy lắp nhân vật, sự kiện, cảm xúc và suy tư có thực của đời “lính K.”
[Những lá thư thời chiến - Bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam]
Bước vào cuộc chiến ấy, lính tráng thế hệ mới (nhập ngũ sau 1975) cũng khác trước. Họ là những thanh niên mới tốt nghiệp phố thông ở các địa phương miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa...) và những thanh niên miền Nam đang làm quen với cuộc sống của thời kỳ độc lập, thống nhất.
Đoàn Tuấn và Nguyễn Ngọc Tiến đã viết về họ - những người lính mang theo cả những suy tư học trò ra trận, bằng những hồi ức sinh động. Lính tráng lúc này không chỉ hát “Tiến bước dưới quân kỳ,” “Cuộc đời vẫn đẹp sao”... mà còn biết ca cải lương, “đổ” những bài nhạc vàng thấm đẫm tâm trạng, thậm chí không ngần ngại đọc cho nhau nghe những câu thơ đầy vẻ “ướt át,” ủy mị...
Bên cạnh những điểm chung khi cùng viết về những người lính ở chiến trường Tây Nam, mỗi người lại chọn cho mình một điểm nhìn, một giọng kể riêng.
Với “Lính Hà,” Nguyễn Ngọc Tiến dựng nên chân dung người lính rất dũng cảm nhưng cũng rất ngang tàng và không kém phần tài hoa, si tình. Ẩn trong chất văn rỉ rả, đôi lúc thô phác, bỗ bã lính tráng là những suy cảm, ẩn ức lính: có ra đi, có trở về, có những cái chết không hẹn trước và cả những cắc cớ, dang dở của đời lính...
Trong khi đó, Đoàn Tuấn tận dụng tối đa khả năng quan sát, ghi chép tỉ mỉ để tái hiện lại “Mùa chinh chiến ấy.” Tác giả ghi lại từng thói quen, nếp sinh hoạt, những phong tục tập quán của nước bạn cả cả những hoạt động tác chiến, những chặng đường hành quân... Bởi Đoàn Tuấn luôn trăn trở: “Làm sao góp nhặt để tặng lại cho mỗi người, cho đồng đội tôi?”
Trong tập bút ký, tác giả cũng không né tránh những mảng gai góc của hiện thực. Thế nhưng, vượt lên tất cả vẫn là sứ mệnh cao cả của người lính đi thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của gần 40 năm trước.
Gương mặt chiến tranh hiện lên với đầy đủ đau thương, bi tráng, khốc liệt và cả những dồn nén, ước vọng và tình người trong lửa đạn.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến hiện đang công tác tại báo Hà Nội Mới, từng có 6 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nam (1976-1981). Nguyễn Ngọc Tiến là tác giả của nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong thời gian vừa qua như: “Me Tư Hồng,” “Đi ngang Hà Nội”...
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn từng chiến đấu tại chiến trường K trong giai đoạn khốc liệt 1978-1983. Hiện nay, tác giả Đoàn Tuấn là Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới Điện ảnh.
“Mùa chinh chiến ấy” (Đoàn Tuấn) và “Lính Hà” (Nguyễn Ngọc Tiến) do Nhà xuất bản Trẻ phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017)./.