Hồi ức giáo sư Nhật về 4 lính Mỹ phản chiến vượt biên sang Moskva

Bên cạnh nỗ lực của cả một dân tộc, sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế và sự ủng hộ của nhân dân trên thế giới đã góp một phần sớm chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.
Đạo diễn Konaka Yotaro (phải) cùng tấm áp phích lính Mỹ buông vũ khí và khẩu hiệu 'Don’t kill' nổi tiếng của phong trào Beheiren. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)

Cách đây tròn 40 năm, Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã mang lại hòa bình và thống nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực của cả một dân tộc cho thắng lợi cuối cùng, sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã góp một phần nhất định, giúp sớm chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

Nhân sự kiện tròn 50 năm thành lập phong trào “Liên minh thị dân vì hòa bình cho Việt Nam” (Beheiren) và sự ra đời của lời kêu gọi “Korosu na” (không được giết người!), Phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn, giáo sư Konaka Yotaro, về phong trào Beheiren và những ký ức không thể nào quên của phong trào cánh tả ở Nhật Bản giai đoạn 1965-1975. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn:

- Xin cảm ơn giáo sư đã nhận trả lời phỏng vấn của Vietnam+. Ông có thể chia sẻ đôi điều về lý do thành lập của “Liên minh thị dân vì hòa bình cho Việt Nam” hay còn gọi là Beheiren được không ạ?

Đạo diễn Konaka: “Liên minh thị dân vì hòa bình cho Việt Nam” gọi tắt là Beheiren của chúng tôi thành lập vì hai lý do chính. Như chúng ta đã biết, ngày 8/3/1965, quân đội Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng. Chúng tôi muốn lên tiếng yêu cầu quân đội Mỹ phải lập tức rời khỏi Việt Nam, rằng “đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.”

Phong trào Beheiren phát động cuộc đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. (Ảnh: Nippon News)

Lý do thứ hai là ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có rất nhiều tiếng nói phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng như mục sư Martin Luther King hay nữ diễn viên Jane Fonda. Nhật-Mỹ thời điểm đó đã ký Hiệp ước an ninh chung và Mỹ muốn lôi kéo Nhật Bản vào cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ngày 24/4/1965, chúng tôi đã đưa ra khẩu hiệu “korosu na” (do not kill - tạm dịch là “không được giết người!”) làm lời kêu gọi của phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Người viết biểu tượng của dòng chữ này chính là họa sỹ nổi tiếng của Nhật Bản thời bấy giờ Taro Okamoto.

Những người tham gia phản đối chiến tranh khi đó là những người dân bình thường ở Tokyo, không phải là chính trị gia chuyên nghiệp, và điều này đã tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt đối với phong trào phản chiến ở Nhật Bản.

Ba vấn đề chính mà phong trào Beheiren luôn kiên trì từ khi thành lập đó là “Việt Nam là của người Việt Nam,” thứ hai, quân đội Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam và thứ ba, Chính phủ Nhật Bản không được bắt tay với Chính phủ Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

- Vậy Beheiren đã hoạt động ra sao trong khoảng thời gian đó thưa ông?

Đạo diễn Konaka: Đúng vậy. Điều gì đã diễn ra trong suốt thời gian hoạt động của chúng tôi. Thời điểm đầu tiên sau khi thành lập Beiheiren, chúng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam ở Tokyo. Cuộc biểu tình đầu tiên của chúng tôi ở Tokyo có khoảng 1.000 người tham gia.

Thời điểm đó, các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, như ở Mỹ, Thụy Điển... Tôi còn nhớ hồi năm 1968, tôi nhận được tấm áp phích này từ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó là hình ảnh một người lính Mỹ kêu gọi hãy vứt bỏ vũ khí để về nhà. Đúng là tôi chưa từng nghĩ đến một việc khá bất ngờ và đó cũng là lý do ra đời tấm áp phích này.

 

Trước đó, ngày 30/10/1967, những người lính Mỹ đào ngũ đã đến chỗ chúng tôi. Bốn lính Mỹ đã trốn khỏi Hàng không mẫu hạm Intrepid sau khi cập bến ở phía Nam cảng Yokosuka. Sự kiện những người lính Mỹ từ bỏ quân ngũ để phản đối chiến tranh đó được gọi là “Intrepid Four.” Bốn người lính Mỹ này đã sống tại nhà tôi thời gian đó.

Lúc đó, tôi cũng còn trẻ và cháu nhỏ nhà tôi mới 2-3 tuổi. Sau đó, với sự giúp đỡ của phía Liên Xô, chúng tôi đã bí mật đưa những người lính Mỹ này tới Moskva và cuối cùng là đến Thụy Điển. Khi chúng tôi đưa họ đến được đó, không ít người cảm thấy bất ngờ. Cứ như vậy, Beheiren đã giúp đỡ gần 20 lính Mỹ từ bỏ hàng ngũ bằng nhiều con đường khác nhau.

Để tham gia hoạt động của Beheiren, tôi cũng đi nhiều nơi như Hokkaido và đến cả Hội nghị Paris. Nhật Bản xung quanh là biển, để vượt biên ra bên ngoài quả thật không phải dễ dàng. Chúng tôi phải đi trên những con thuyền nhỏ và nhờ đến sự giúp đỡ của các ngư dân địa phương để đến phía bên kia đại dương và được tàu của phía Liên Xô đón.

Phong trào của chúng tôi ngày càng lớn mạnh và tạo được ảnh hưởng lớn sau sự kiện Intrepid Four. Số lượng người tham gia có lúc lên tới hơn 70.000 người. Mặc dù cảm thấy thực sự lo âu bởi vào giai đoạn cao điểm chúng tôi thường xuyên bị cảnh sát và cả tình báo Mỹ theo dõi mặc dù rất may là chưa lần nào bị bắt giữ hay đánh đập.

Trong suốt 10 năm từ năm 1965-1975, các họa sỹ, nhà văn và đạo diễn điện ảnh chúng tôi bền bỉ với phong chào phản đối Chiến tranh Việt Nam. Ngày 30/4/1975, chiến tranh đã kết thúc khiến chúng tôi như vỡ òa và hết sức vui mừng. Mặc dù quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam từ năm 1973 nhưng chính quyền miền Nam Việt Nam phải đến ngày 30/4/1975 mới cáo chung. Điều đó cho thấy sức mạnh và quyết tâm thống nhất đất nước của người Việt Nam lớn tới mức nào.

Cho đến ngày nay, những vấn đề mà Beheiren đặt ra vẫn còn mang tính thời sự. Những cuộc chiến tranh và xung đột lớn nhỏ đã và đang diễn ra trên thế giới như Iraq, Afghanistan, Syria... Cảnh giết chóc và tàn sát vẫn đang diễn ra mỗi ngày.

Khẩu hiệu “Korosu na” (do not kill) mà tôi đang giữ ở đây vẫn không thay đổi ý nghĩa của nó và vẫn có tác dụng kêu gọi rất lớn. Mục đích của Beheiren không chỉ là kêu gọi hòa bình cho Việt Nam mà chúng tôi còn muốn thông qua việc đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam để tìm kiếm một nền độc lập thực sự cho Nhật Bản.

 

- Thời điểm đó, Beheiren đã làm cách nào để tạo được tiếng vang ở nước ngoài?

 

Đạo diễn Konaka: Sau khi thành lập, chúng tôi đã liên hệ với các tờ báo có tiếng của Mỹ về phong trào chống chiến tranh của mình. Tờ New York Times khi đó có chuyên mục sẵn sàng đăng những mục quảng cáo tuyên truyền quan điểm chính trị, tạm gọi là opinion advertise. Sau khi thành lập vào tháng 4/1965, tác gia nổi tiếng Nhật Bản Takeshi Kaiko là người đã viết bài báo đăng trên New York Times nói về Chiến tranh Việt Nam. Mọi người trong Beheiren khi đó đã góp được khoản tiền khoảng 10 triệu yên để hỗ trợ cho việc đăng bài viết này trên tờ báo Mỹ.

Bài viết có tên “Liệu bom đạn có mang lại hòa bình cho Việt Nam?” đã được đăng trong số báo ngày 16/11/1965 với hình ảnh con đại bàng và chú chim bồ câu đang khóc chiếm một nửa trang báo. Sự xuất hiện của chúng tôi đã gây được sự chú ý của dư luận. Người dân Mỹ cũng cảm thấy bất ngờ và không rõ ai đã ủng hộ tiền cho tổ chức của chúng tôi.

Tiếp theo, chúng tôi cũng đăng lời kêu gọi “Korosu na” lên tờ Washington Post. Để đăng bài này thì chúng tôi mất khoảng 5 triệu yen, rẻ hơn so với chi phí đăng trên tờ New York Times. Năm 1991, tôi đã đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Việt Nam chụp ảnh cùng biểu tượng của phong trào Beheiren.

- Cá nhân ông đã có những kỷ niệm nào đặc biệt trong thời gian tham gia phong trào Beheiren?

Đạo diễn Konaka: Tôi đã có dịp quen biết những con người nổi tiếng từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam. Đây là bức ảnh tôi chụp vợ chồng ca sỹ John Lennon. Họ đã có cách phản đối chiến tranh khá đặc biệt gọi là bed-in và trở thành một biểu tượng cho phản đối Chiến tranh Việt Nam. Yoko và John ngồi liên tục một thời gian dài trên giường và gọi các phóng viên đến phỏng vấn, đưa tin.

Sau khi chiến dịch bed-in kết thúc, tôi đã đến gặp hai vợ chồng ca sỹ ở London. Chúng tôi nói chuyện về hoạt động kêu gọi hòa bình chống chiến tranh. Đây thực sự là một kỷ niệm khó quên. Vào thời kỳ đó, John Lennon cũng tổ chức tiệc Giáng sinh. Có rất nhiều các nhân vật nổi tiếng tham dự và cả những người Nhật như họa sỹ Okamoto Taro, để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.

Thời gian đó, vợ tôi là một ca sỹ, chúng tôi cũng đã đến trước tòa đại sứ Mỹ để hát những bài hát phản đối chiến tranh. Anh cũng biết đấy, người Anh hay người Mỹ đều giống nhau. Họ quan niệm rất rõ ràng về những người cùng tham gia tranh đấu và cùng chí hướng, điều đó tạo sự gần gũi và thân thuộc giữa chúng tôi. Rất nhiều những kỷ niệm khó quên trong thời gian chúng tôi hoạt động trong phong trào Beheiren.

 

Thực sự, nếu không có Beheiren, chúng tôi sẽ không thể biết được thế giới đã diễn ra như thế nào. Tôi đã lưu lại rất nhiều những bức ảnh trong quãng thời gian hoạt động đó của mình. Đây là ảnh một bé sơ sinh, là con tôi, đang ngồi chơi với 4 người lính Mỹ vừa trốn khỏi Intrepid. Nhà tôi khi đó là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của Beheiren.

Trong album này, tôi cũng lưu giữ cả bức ảnh về bà Nguyễn Thị Bình khi đó bà ấy xuất hiện lần đầu tiên trước báo chí nước ngoài với tư cách đại diện cho Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Còn đây là những tấm thiệp in các hình ảnh chống chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh này thì tôi nhận được từ cảnh sát như một lời cảnh báo. Họ đã chụp cuộc biểu tình của chúng tôi. Tôi không sợ mà thấy nó thật thú vị.

- Sự kiện 4 lính Mỹ trốn khỏi hàng không mẫu hạ Intrepid gây chấn động dư luận ở Nhật Bản và thế giới thời kỳ đó và vai trò của Beheiren đã được biết đến rộng rãi hơn. Ông có thể chia sẻ thêm những câu chuyện xung quanh sự kiện này được không?

Đạo diễn Konaka: Năm 1967 có lẽ là thời điểm mà Chiến tranh Việt Nam đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Thời gian đó, Hàng không mẫu hạm Intrepid của Mỹ cập cảng Yokosuka và neo đậu tại đó. Nhóm 4 người này họ trốn khỏi mẫu hạm và thực sự không rõ họ định đi đâu. Họ đã ẩn náu ở quận Shinjuku một thời gian. Các sinh viên Nhật Bản thời gian đó cũng giúp đỡ họ trong thời gian lẩn trốn. Các sinh viên này đã giới thiệu những người lính này đến Beheiren. Họ gọi điện cho tôi và dẫn các lính Mỹ này đến ở tại nhà tôi.

Do lo ngại họ có thể sẽ bị cảnh sát và phía Mỹ bắt giữ nên chúng tôi đã liên hệ với Ủy ban hòa bình của Liên Xô giúp họ trốn thoát khỏi Nhật Bản bằng thuyền vượt biển tới phía Liên Xô. Tôi đã chở họ trên chiếc xe này và đưa họ ra bờ biển.

Nhưng mọi chuyện không phải kết thúc đơn giản như vậy. Vì đây là một chuyến vượt biên sang Liên Xô, quốc gia đối đầu với Mỹ thời điểm đó, nên việc làm này của chúng tôi thật sự nguy hiểm. Do đó, chúng tôi quyết định phải ghi lại tuyên bố của các binh sỹ này để làm bằng chứng về sau. Đoạn băng ghi hình đó kéo dài khoảng 30 phút. Nếu không có những hình ảnh đó thì sẽ không có bằng chứng để đấu tranh với phía Mỹ.

Sau khi các lính Mỹ vượt biên thành công, chúng tôi mới tổ chức họp báo. Rất nhiều các cơ quan báo chí đến đưa tin về cuộc họp báo của chúng tôi. Các tờ báo nổi tiếng như New York Times cũng có mặt, họ chất vấn chúng tôi rất nhiều và chúng tôi đã cho họ xem bằng chứng là những hình ảnh và tuyên bố của những người lính Mỹ này trong video. Sau đó, phía Liên Xô loan tin là những người này đã đến Moskva.

Chúng tôi hoàn toàn không liên lạc gì với Moskva mà tự họ thông báo các thông tin liên quan đến Intrepid Four. Và thông tin đó đã lan đến Nhật Bản, gây chấn động dư luận trong nước thời gian đó. Vì Liên Xô và Mỹ đang có trục trặc về ngoại giao nên những người này lập tức được chuyển đến Thụy Điển nương náu. Họ ở đó khoảng 1 năm.

Sau đó, khoảng 20 người khác cũng lần lượt được đưa đến Thuỵ Điển bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu bằng thuyền đánh cá như tôi đã nói lúc đầu. Trong số những người đó, có người cũng quay trở lại Nhật Bản gặp chúng tôi. Họ làm nhiều nghề khác nhau, có cả bác sỹ. Hầu hết họ không có hộ chiếu và trốn sang Canada sinh sống. Chỉ có 4 người đầu tiên “Intrepid Four” là không rõ giờ đây họ ra sao vì không có thông tin gì về họ. Tôi nghĩ có lẽ họ vẫn sống khoẻ mạnh.

- Sau 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, ông có lời nhắn nhủ nào gửi đến nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới không?

Đạo diễn Konaka: Tôi xin được nhắc lại lời kêu gọi mà 50 năm trước khi chúng tôi thành lập Beheiren rằng “Việt Nam là của người Việt Nam!” - đó là quyền tự quyết của các dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã bảo vệ được quyền tự quyết của mình. Tôi thực sự khâm phục các bạn vì điều đó. Việt Nam đã quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội sau chiến thắng.

Người Việt Nam có quyền được lựa chọn sống theo cách của mình vì các bạn đã quá hiểu bản chất của chế độ thực dân là như thế nào. Do đó, ngay cả bây giờ cũng vậy, tôi cũng vẫn muốn kêu gọi hãy bảo vệ nền hòa bình cho Việt Nam và Việt Nam là của người Việt Nam.

Về phía Mỹ, sau khi rút khỏi Việt Nam, Chính phủ Mỹ tiếp tục tiến hành chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Công việc mà chúng tôi muốn duy trì đến nay đó là kêu gọi Chính phủ Nhật Bản không hợp tác với Chính phủ Mỹ để can dự vào các cuộc chiến. Người dân Nhật Bản cũng rất thích người dân Mỹ. Ở Mỹ cũng có rất nhiều người phản đối chiến tranh như Jane Fonda, Luther King... Chính nhờ những người bạn Mỹ đó mà người Nhật chúng tôi cũng hiểu được bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, nhiều người trong số chúng tôi không còn nữa và những người còn sống cũng không mấy người còn tham gia hoạt động phản đối chiến tranh.

Tuy nhiên, vì sao vẫn còn lại mình Konaka tôi tiếp tục công việc này. Tôi thực sự muốn truyền tải bầu nhiệt huyết và tinh thần phản đối chiến tranh cho thế hệ trẻ, để họ tiếp tục sự nghiệp bảo vệ hòa bình cho các dân tộc bị ức hiếp. Để có được nhiệt huyết mạnh mẽ đó cho đến ngày nay, tôi phải nói lời cảm ơn đến đất nước Việt Nam, đã tiếp thêm cho tôi dũng khí để làm việc đó.

Vâng, xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục