Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ tôn vinh đạo lý truyền thống ngàn đời

Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ là một hội thề Non nước, một đại lễ hội của Kinh thành Thăng Long xưa nhằm nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc với đạo lý trung với nước, hiếu với nguồn cội.
Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ tôn vinh đạo lý truyền thống ngàn đời ảnh 1Di tích đền Đồng Cổ là dấu tích còn sót lại của Thăng Long bát cảnh xưa. (Ảnh: Đỗ Huy/Vietnam+)

Di tích đền Đồng Cổ, tọa lạc tại số 353 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay, là nơi thờ vọng Thần Đồng Cổ ở Đan Nê (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), gắn với một nghi lễ hết sức độc đáo của người xưa - Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ.

Kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sỹ và con dân trong thiên hạ, Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ cùng Lễ hội đèn Quảng Chiếu là hai lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của Kinh thành Thăng Long trong triều đại nhà Lý.

Lễ hội đền Đồng Cổ là lễ hội của triều đình, hướng về nguồn cội. Đây là hội thề quốc gia có ý nghĩa đặc biệt nên được Hoàng đế và triều đình dành nhiều sự quan tâm.

Hầu hết tôn thất, quan lại trong triều và người dân ở trong và ngoài Kinh thành Thăng Long đều về dự Hội thề với tinh thần tận trung, tận hiếu, cầu mong cho quốc thái dân an.

Sang thời Trần, Hội thề còn đề cao sự trong sạch của người làm quan.

Di tích Đền Đồng Cổ tọa lạc trên khuôn viên làng Đông Xã, hậu tựa Hoàng thành Thăng Long, trước có sông Tô Lịch trong mát và là dấu tích còn sót lại của một trong Thăng Long bát cảnh xưa.

Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ tôn vinh đạo lý truyền thống ngàn đời ảnh 2Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ diễn ra vào ngày 25/3 âm lịch hàng năm. (Ảnh: Đỗ Huy/Vietnam+)

Tích xưa kể rằng, Đại vương Sơn Thần Đồng Cổ chính là ngài Vũ Công, dòng dõi nhà vua. Thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18 được Đức Tản Viên phân công lĩnh binh sỹ đi dẹp quân Thục nổi loạn tại vùng Thanh Hóa-Nghệ An.

Hoàn thành nhiệm vụ, Ngài hiển Thánh trở thành Thần tại núi Đồng Cổ, làng Đan Nê (nay làng Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

[Phát huy giá trị di sản văn hóa Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ]

Dưới thời Lý Thái Tổ, vào tháng 12 năm Canh Thân (từ 17/12/1020 đến 15/1/1021) Khai Thiên Vương Phật Mã (Lý Thái Tông) vâng mệnh vua cha (Lý Thái Tổ) đem binh dẹp Chiêm Thành phương Nam, khi đi qua đền Đồng Cổ (Thanh Hóa) được thần báo mộng.

Thắng trận trở về, Phật Mã (Lý Thái Tông) cho sửa lễ tạ ơn thần ở đền Đồng Cổ (Thanh Hóa), rồi rước thần về lập đền thờ ở trong thành Thăng Long.

Sách Đại Nam nhất thống chí xác định vị trí của ngôi đền Đồng Cổ đầu tiên do Lý Phật Mã dựng vào thời Lý Thái Tổ nằm ở phía Bắc thành Thăng Long.

Đến năm 1028, sau khi dẹp xong loạn Tam vương, lên ngôi Hoàng đế, Lý Thái Tông “phong tước Vương cho thần núi Đồng Cổ” và “xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu thờ bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ," lấy ngày 25 tháng ấy (ngày 25/3 âm lịch, tức 22/4/1028), đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết."

Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng Ba có ngày quốc kỵ nên chuyển sang mùng 4/4.

Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ tôn vinh đạo lý truyền thống ngàn đời ảnh 3Lời thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ vẫn nguyên giá trị với mọi thời đại. (Ảnh: Đỗ Huy/Vietnam+)

Hội thề Trung Hiếu được gìn giữ suốt hơn hai thế kỷ triều đại nhà Lý và còn được các triều đại nhà Trần, nhà hậu Lê duy trì theo nghi lễ Quốc gia.

Đến triều Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân (Huế), Hội thề không được tổ chức.

Cộng đồng cư dân làng Đông Xã luôn cảm thấy vinh hạnh được bảo vệ, trông nom ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng – nơi đã diễn ra lễ thề Trung Hiếu qua các triều đại Lý, Trần, Lê và nhận thấy lời thề Trung Hiếu ấy vẫn còn nguyên giá trị với mọi thời đại, đặc biệt trong việc định hướng giáo dục nhân cách con người nên cộng động nhân dân địa phương đứng ra khôi phục tổ chức Hội thề, chính hội diễn ra vào ngày mùng 4/4 âm lịch hàng năm.

Điểm nhấn tạo nên sức cuốn hút, độc đáo của Hội thề là nghi lễ đọc thời thề có sự tham gia của lãnh đạo Quận ủy, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, các đoàn thể và nhân dân địa phương.

Đây là nghi thức được coi là “hồn cốt” của lễ hội, tạo nên nét độc đáo hiếm lễ hội nào có được.

Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ là dịp để cộng đồng bày tỏ sự biết ơn, tấm lòng tri ân đến thần Đồng Cổ đã hộ nước, an dân; đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của Nhân dân địa phương.

Quá trình thực hành di sản đã hình thành nên tập quán xã hội của cộng đồng địa phương về việc giữ lời thề.

Lời thề Trung Hiếu được tổ chức thành một nghi lễ trong lễ hội, là nguồn động viên, động lực nhắc nhở mỗi người trong việc thực hiện và chịu trách nhiệm với lời thề của mình trước thần Đồng Cổ; góp phần vào việc giáo dục nhân cách, đạo đức của con người, là điểm tựa văn hóa của cộng đồng nhân dân địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục