Hội thảo “Việt Nam: Đổi mới-Phát triển-Hội nhập” tại Ba Lan

Các đại biểu thảo luận và đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội và vị thế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, nhất là triển vọng sau khi kết thúc đàm phán EVFTA, TPP.
Hội thảo “Việt Nam: Đổi mới-Phát triển-Hội nhập” tại Ba Lan ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Chiều 27/11, tại Đại học Almamer ở thủ đô Vacsava của Ba Lan đã diễn ra lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Ba Lan và Hội thảo “Việt Nam: Đổi mới-Phát triển-Hội nhập.”

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan và hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận và đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội và vị thế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, nhất là triển vọng sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc thành lập Cộng đồng ASEAN kể từ cuối năm 2015.

Các đại biểu cũng phân tích quan hệ Việt Nam-Ba Lan trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến phức tạp, trong đó có những căng thẳng trên Biển Đông và về sự hội nhập ngày càng sâu sắc của cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong những năm qua.

Tại hội thảo, ông Tadeusz Iwinski, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ba Lan, Nhóm nghị sỹ Ba Lan hữu nghị với Việt Nam, đánh giá cao một số thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ sau công cuộc Đổi mới; bày tỏ mong muốn Việt Nam và Ba Lan sẽ là cầu nối hợp tác giữa ASEAN và EU cũng như trong tổng thể mối quan hệ Á-Âu.

Ông Damian Wnukowski, Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Ba Lan (PISM), phân tích triển vọng kinh tế của Việt Nam sau khi tham gia các thỏa thuận quốc tế và khu vực, nhận định đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư.

Trong khi đó ông Piotr Gadzinowski, đảng Liên minh Dân chủ cánh tả, đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến quảng bá văn hóa và giao lưu nhân dân.

Nhà báo Rafal Tomanski vừa trở về sau chuyến khảo sát tại Việt Nam, đã nêu một số cảm nhận tích cực của mình về đất nước và con người Việt Nam; đồng thời thông báo một số tin tức liên quan việc Trung Quốc xây dựng và tôn tạo trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Bên lề Hội thảo Ban tổ chức cũng đã cung cấp cho các đại biểu một số đầu sách, tài liệu về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tình hình giải quyết tranh chấp Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Các nghệ sỹ không chuyên của cộng đồng người Việt cũng đã biểu diễn một số tiết mục văn nghệ truyền thống của Việt Nam như hát Quan họ, độc tấu đàn bầu….

Nhân dịp này họa sỹ Lợi Hồng Diệp đã tổ chức triển lãm các bức tranh của ông nhằm cung cấp cho các đại biểu một cái nhìn sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục