Hội thảo về tuyển dụng nhân công Việt Nam tại Cộng hòa Séc

Hội thảo là diễn đàn để các bên thảo luận, trao đổi những thông tin cơ bản về năng lực đáp ứng lao động từ phía Việt Nam và nhu cầu, khả năng tiếp nhận lao động của Karlovy Vary.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Ngày 8/12 tại thành phố Karlovy Vary, Hội thảo Tuyển dụng nhân công Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Đại sứ Hồ Minh Tuấn và Ủy viên Hội đồng tỉnh Karlovy Vary Josef Janu. Thống đốc tỉnh Jana Vildumetzová đã đến dự và phát biểu chào mừng hội thảo.

Tới dự hội thảo có Nhóm làm việc về hợp tác song phương của tỉnh Karlovy Vary và Đại sứ quán Việt Nam, đại diện Cục Chính sách tị nạn và Di trú thuộc Bộ Nội vụ Séc, lãnh đạo các công ty đóng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam và Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại tỉnh.

Đây là diễn đàn để các bên thảo luận, trao đổi những thông tin cơ bản về năng lực đáp ứng lao động từ phía Việt Nam và nhu cầu, khả năng tiếp nhận lao động nước ngoài từ phía tỉnh Karlovy Vary.

Tại hội thảo, phía Việt Nam khẳng định có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh hợp tác lao động quốc tế, đã cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar...

Hiện nay, có hơn 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới thuộc nhiều ngành như y tá, hộ lý, điều dưỡng viên, công nhân cơ khí, chế tạo máy… Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng nhân lực có kỹ thuật và chất lượng cần thiết theo yêu cầu của các doanh nghiệp Séc.

Phía Karlovy Vary cho biết tỉnh này thiếu 6.500 nhân công và lao động Việt Nam là một hướng quan trọng mà các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hướng tới.

Đại sứ Hồ Minh Tuấn và Ủy viên Hội đồng tỉnh Karlovy Vary Josef Janu chủ trì hội thảo. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Tính chung trên toàn quốc, Cộng hòa Séc thiếu 200.000 lao động tay nghề cao và trong thời gian tới có thể cần 700.000 nhân công ở các loại hình lao động. Do vậy, việc tiếp nhận lao động từ các nước nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Việt Nam, được coi là nhu cầu cấp thiết.

Trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp Séc về lao động Việt Nam, Đại sứ Hồ Minh Tuấn nêu rõ từ năm 2008, Hiệp định Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã hết hiệu lực và chưa được ký tiếp. Việc trao đổi chuyên gia giữa hai nước chưa được tiến hành. Mô hình trao đổi nhân lực giữa các doanh nghiệp hai nước hầu như chưa được khởi động.

Lao động Việt Nam sang làm việc tại Séc hiện nay chủ yếu thông qua công ty môi giới với chi phí rất cao hoặc theo hợp đồng ký trực tiếp giữa công nhân với doanh nghiệp ở quy mô rất nhỏ. Hình thức hợp tác mới - chính quyền các địa phương của Séc ký hợp đồng tuyển dụng lao động Việt với 261 công ty Việt Nam được cấp giấy phép và có năng lực thực sự, là điều cần thiết trong thời gian trước mắt. Có thể coi tỉnh Karlovy Vary như địa phương tiên phong trong hợp tác hình thức mới này.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa kế hoạch này, cần rất nhiều các biện pháp và nỗ lực của cả hai bên. Về phía Séc, đó là sự thay đổi về chính sách tiếp nhận lao động nhập cư, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp thị thực, thẻ cư trú cho người lao động Việt Nam. Còn phía Việt Nam, cần cung cấp thông tin cụ thể, xác định nhu cầu thực tiễn từ phía Cộng hòa Séc cho các doanh nghiệp trong nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cụ thể là Cục Quản lý lao động ngoài nước, để phối hợp với phía bạn.

Giới thiệu tiềm năng nhân lực của Việt Nam. (Ảnh: Công Thuận/Vietnam+)

Ông Josef Janu, Ủy viên Hội đồng tỉnh Karlovy Vary cho biết địa phương này cần nhân công chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc y tế, chữa bệnh, nghỉ dưỡng và các lĩnh vực thế mạnh là khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng. Karlovy Vary cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ tinh xảo nên rất hoan nghênh lao động tay nghề cao từ Việt Nam.

Tỉnh Karlovy Vary nằm ở phía Tây Cộng hòa Séc, cách Prague hơn 120 km, có đường biên giới chung với Cộng hòa Liên bang Đức. Tỉnh có diện tích 3.315 km2, dân số gần 300.000 người, tỉnh lỵ là thành phố cùng tên nổi tiếng thế giới với danh hiệu "thành phố nghỉ dưỡng lý tưởng."

Tỉnh có thế mạnh về du lịch, khai khoáng, chế tạo máy và hóa chất. Trên địa bàn tỉnh có 6.000 người Việt Nam sinh sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục