Sáng 31/12, Viện Nghiên cứu Lập pháp đã tổ chức hội thảo “Những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013.”
Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và nhiều chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đến từ nhiều bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trong nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhấn mạnh với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của nhân dân; các cơ quan có trách nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, tâm huyết để có được một bản Hiến pháp sửa đổi thông qua với sự đồng thuận rất cao.
Hiến pháp đã phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Ý Đảng lòng dân đã được thể hiện hòa quyện sâu sắc trong bản Hiến pháp. Đó là đảm bảo chính trị-pháp lý vững chắc cho dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và nhà nước Việt Nam vững bước tiến lên trước những thách thức mới của thời đại; là nhân tố để Việt Nam vững bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển về mọi mặt và chủ động hội nhập quốc tế.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã làm rõ các nội dung là những điểm mới trong Hiến pháp sửa đổi, vừa đảm bảo tính kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, vừa thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Các đại biểu cho rằng Hiến pháp sửa đổi gồm 11 chương 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến Việt Nam, nhất là của Hiến pháp năm 1946,
Theo tham luận của phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, quy định về chính quyền địa phương là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung được dư luận đặc biệt quan tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vừa qua.
Đây cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều góp ý nhất trong quá trình lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng Hiến pháp. Với việc ban hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013, so với các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), có thể thấy, các quy định này vừa có tính kế thừa, vừa có sự bổ sung, phát triển với một số điểm mới rất đáng chú ý.
Theo tiến sỹ Hoàng Thế Liên, tới đây, nhiệm vụ đặt ra là cần tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, huyện, phường theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, cùng với các nghiên cứu khác, sẽ xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần xác định cấp chính quyền địa phương để tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với tinh thần mới. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng Luật về chính quyền địa phương và Luật về phân cấp; xây dựng Luật về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập mới, giải thể, chia, tách địa giới hành chính.
Theo giáo sư-tiến sỹ Trần Ngọc Đường, toàn bộ Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 có nhiều nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến mới, thì chương VIII Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng chưa đựng nhiều điểm mới.
Trong bản Hiến pháp mới, Tòa án Nhân dân không những được quy định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Hiến pháp năm 1992 mà còn khẳng định “thực hiện quyền tư pháp”; thể hiện sự phân công quyền lực nhà nước một cách mạch lạc; đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp; công bằng và công lý của một quốc gia thể hiện tập trung nhất ở quyền xét xử của Tòa án.
Đối với Viện Kiểm sát Nhân dân, Hiến pháp mới nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ hàng đầu là “bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” sau đó mới quy định “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.”
Theo ông Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, so với Hiến pháp năm 1980, Chương V: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 1992 là chương có nhiều sửa đổi nhất.
Chỉ có 4 điều được giữ nguyên; 26 điều còn lại được sửa đổi, đồng thời bổ sung 4 điều mới. Sự đổi mới thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã thể hiện sự tôn trọng của xã hội, Nhà nước Việt Nam đối với quyền con người, quyền công dân.
Các quy định trong Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Những điểm mạnh của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 ở những nội dung sau đây: Đã sửa đổi các quyền kinh tế, xã hội được quy định một cách duy ý chí (quyền khám chữa bệnh không phải trả tiền, quyền học tập miễn phí, quyền có nhà ở, quyền có việc làm…cho công dân) trong Hiến pháp 1980 để bảo đảm tính khả thi của các quyền này. Đã bổ sung một số quyền có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế thị trường như quyền sở hữu về tài sản, vốn và tư liệu sản xuất, quyền tự do kinh doanh, quyền sử dụng đất./.