Hội thảo về nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị

Hội thảo báo cáo dự án Nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam đã diễn ra ngày 19/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo báo cáo dự án “Nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam - Nghiên cứu tình huống tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng” đã diễn ra ngày 19/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo do trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ châu Á phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra kiến nghị để áp dụng mô hình chính quyền đô thị mới hiệu quả hơn, điều đầu tiên phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân.

Theo các nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế - Luật, các điều sửa đổi của Hiến pháp cần ghi rõ bộ máy chính quyền đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố - quận - phường) khác với bộ máy chính quyền nông thôn (tỉnh - huyện - xã).

Cấu trúc đô thị là đơn nhất cho nên chỉ có một bộ máy chính quyền duy nhất. Nếu là đô thị lớn thì thêm "cánh tay nối dài" quận và phường.

Trong trường hợp này, quận và phường chỉ là cơ quan hành chính địa phương, không phải là cấp chính quyền đầy đủ có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân như hiện nay.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cành (Trường Đại học Kinh tế - Luật), cho rằng ngoài việc thay đổi các điều khoản liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cần thể hiện trong các quy định về quyền lực và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền đô thị.

Mặt khác, nhiều Bộ luật như: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng… cũng như các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan phải thay đổi cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị trong phân cấp quản lý chức năng giữa Trung ương và địa phương, giữa Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ngành và quận, phường. Cần trao quyền tự chủ cho các đô thị, thành phố trực thuộc Trung ương trong thu hút các nguồn lực cho phát triển.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng lưu ý, dù có nhiều đô thị trong một thành phố nhưng vấn đề quy hoạch tổng thể về bố trí không gian, lãnh thổ và quy hoạch tổng thể phát triển ngành phải được thống nhất trong toàn bộ thành phố. Mặt khác, để áp áp dụng mô hình chính quyền đô thị, ngoài điều kiện pháp lý còn phải cần điều kiện nguồn nhân lực thể hiện đảm bảo nguồn tài chính, nhân lực, cơ chế để tạo ra các nguồn lực phát triển.

Nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện chính quyền đô thị cần có bước thí điểm để rút kinh nghiệm. Đối với đô thị loại 1 có thể lấy Đà Nẵng làm thí điểm áp dụng mô hình chính quyền đô thị vì hiện Đà Nẵng đã có bước chuẩn bị và đã thực hiện một số mặt của chính quyền đô thị.

Đối với đô thị đặc biệt, có thể lấy Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm, thành phố hiện đã có đề án, chỉ cần hoàn chỉnh là có thể áp dụng./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục