Ngày 6/12, tại Geneva, Thụy Sĩ, hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông với chủ đề "Tranh chấp Biển Đông-Phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước luật biển Liên hợp quốc (UNCLOS) và việc thực thi phán quyết" đã diễn ra.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia luật quốc tế, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, về vấn đề biển hàng đầu đến từ các nước Anh, Mỹ, Australia, Bỉ, Thụy Sĩ với nhiều bài thuyết trình thể hiện quan điểm ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khẳng định sự phi lý trong những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Hội thảo đã ra thông cáo thể hiện rõ quan điểm của các học giả liên quan tới vấn đề trên.
Thông cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế trên Biển Đông, không chỉ cho các nước trong khu vực mà còn cho tất cả cộng đồng quốc tế.
Các đại biểu cũng tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và việc áp dụng công ước này vào tranh chấp trên Biển Đông.
Thông cáo hoan nghênh phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý chiểu theo Phụ lục VII của UNCLOS về Biển Đông mà Tòa Trọng tài đưa ra ngày 12/7/2016. Phán quyết của Tòa trọng tài đã mở ra cơ hội giải quyết tranh chấp, thúc đẩy hợp tác có lợi cho việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trên Biển Đông.
Trong thông cáo, các chuyên gia cũng đề cập việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông, cũng như vai trò cúa Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Các đại biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức thêm các hội thảo, diễn đàn quốc tế về chủ đề Biển Đông để mở rộng mạng lưới nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu và học giả quan tâm nhằm xây dựng nhận thức chung, đưa ra các khuyến nghị về chính sách với các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế nhằm tạo dựng một môi trường hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trên Biển Đông./.