Hội thảo thân thế Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận

Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, Hòa thượng, Thượng tọa cùng tăng ni, phật tử tham dự.

Ngày 8/12, tại chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận đối với đạo pháp và dân tộc.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, Hòa thượng, Thượng tọa cùng tăng ni, phật tử tham dự.

Gần 30 bài tham luận của các nhà nghiên cứu khẳng định, từ lúc sinh thời đến khi viên tịch (1897-1993), Hòa thượng Thích Đức Nhuận luôn nêu cao tinh thần phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc.

Trong quá trình đảm trách ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ tháng 11/1981 đến tháng 12/1993), Hòa thượng Thích Đức Nhuận luôn quan tâm đến các hoạt động của Giáo hội, chú trọng chăm lo công tác đào tạo tăng ni, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước cho các phật tử…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng nhấn mạnh: cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tấm gương tiêu biểu trong việc chấn hưng, làm sáng rõ bản chất tốt đẹp của Phật giáo, góp phần khơi dậy lòng vị tha, tình thân ái trong mỗi con người.

Với đạo hạnh trong sáng, kiến thức Phật học uyên thâm, Hòa thượng luôn được các tăng ni, phật tử kính phục, tín nhiệm. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhân dịp này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức rước ngọc xá lợi từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về an vị tại Tổ đình Kim Liên, chùa Đồng Đắc; tổ chức tưởng niệm 20 năm ngày Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận viên tịch và khởi công xây dựng Trung tâm nghiên cứu, giáo dục Phật giáo Tổ đình Kim Liên, tỉnh Ninh Bình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục