Hội thảo tại Ấn Độ nhân dịp 3 năm PCA ra phán quyết về Biển Đông

Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay vẫn hết sức phức tạp, khó lường và tiếp tục thu hút sự chú ý của không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả nhiều nước khác trên thế giới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)

Ngày 12/7 tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ ở thủ đô New Delhi, Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương đã tổ chức Hội thảo về Biển Đông nhân dịp 3 năm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Tham dự hội thảo có cựu Bí thư Đối ngoại, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, Anh, ông Lalit Mansingh, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ, các nhà ngoại giao đến từ các nước như Indonesia và Philippines, cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu về Biển Đông.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày một số tham luận về hiện trạng cũng như tầm quan trọng trong việc thực thi phán quyết của PCA; sự cần thiết phải đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); các biện pháp giảm thiểu căng thẳng hiện nay trong vùng biển này và khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, tuân thủ trật tự dựa trên các quy tắc.

Phát biểu tại hội thảo, cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Lalit Mansingh nêu những khó khăn trong việc thực thi phán quyết của PCA, một phần do cơ quan này thiếu thẩm quyền để thực thi, trong khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết và cũng không thừa nhận thẩm quyền xét xử của PCA.

Theo cựu quan chức ngoại giao này, vấn đề Biển Đông sẽ có những tác động sâu sắc đến tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung.

Nếu không được giải quyết thỏa đáng, nó sẽ như "một ngọn núi lửa trực chờ phun trào" với những hậu quả hết sức thảm khốc.

Ông Lalit cũng đề cập những mối quan hệ văn hóa và lịch sử cũng như những lợi ích và mối quan tâm lớn của Ấn Độ đối với khu vực Biển Đông.

[Việt Nam muốn cùng Trung Quốc xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông]

Về phần mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay vẫn hết sức phức tạp, khó lường và tiếp tục thu hút sự chú ý của không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả nhiều nước khác trên thế giới.

Đại sứ kêu gọi các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động thương mại an toàn, không bị cản trở, tăng cường lòng tin và tránh làm phức tạp tình hình.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các học giả đã đưa ra một số đánh giá về đặc điểm địa kinh tế, địa chính trị hiện nay trong khu vực; kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Biển Đông là nơi lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được lưu thông hằng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục