Trong các ngày 25 và 26/10, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh.”
Hội thảo có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến.
Nhân dịp này, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những nội dung liên quan đến Hội thảo.
- Xin ông đánh giá ý nghĩa, những kết quả của Hội thảo Quốc tế về Biển Đông sau 15 năm tổ chức?
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn: Năm 2009, cách đây 15 năm, lần đầu tiên Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông, với mục tiêu xây dựng một diễn đàn không chính thức, công khai và rộng mở để các chuyên gia, học giả quốc tế thảo luận về tình hình Biển Đông nhằm tìm kiếm những giải pháp đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.
Sau 15 năm, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông trở thành một sự kiện, một diễn đàn không thể thiếu cho tất cả những người quan tâm đến việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông. Cộng đồng trong nước và quốc tế đều ghi nhận những kết quả đạt được qua các Hội thảo thường niên và thừa nhận chuỗi Hội thảo Biển Đông của Học viện Ngoại giao đã và đang tạo ra môi trường đối thoại rộng mở, thẳng thắng, hữu nghị, góp phần tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt, thúc đẩy lòng tin, đối thoại và hợp tác ở khu vực.
[Bốn phiên thảo luận chính tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông]
Cho đến nay, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông đã từng bước trưởng thành và dần nâng cấp trở thành diễn đàn đối thoại kênh bán chính thức uy tín hàng đầu tại khu vực, góp phần kết nối các lãnh đạo, chuyên gia, học giả, các nhà hoạch định chính sách từ nhiều khu vực trên thế giới có quan tâm tới tình hình Biển Đông. Ngày càng có nhiều chính khách cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế tham gia và có phát biểu quan trọng tại Hội thảo, bày tỏ quan điểm, thể hiện sự quan tâm đối với Biển Đông và khẳng định lập trường duy trì cam kết tại khu vực.
- Xin ông chia sẻ những điểm mới tại Hội thảo lần thứ 15?
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn: Học viện Ngoại giao luôn cố gắng tìm kiếm và đổi mới trong việc đưa ra ý tưởng và cách thức tổ chức Hội thảo Quốc tế về Biển Đông nhằm thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận quốc tế.
Điểm mới đầu tiên chính là chủ đề của Hội thảo năm nay: “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh.” Theo đó, “thu hẹp vùng biển xám” hướng tới mục tiêu công khai, thảo luận cởi mở, khiến cho không gian biển trở nên minh bạch và ổn định hơn, thúc đẩy thượng tôn luật pháp quốc tế và hạn chế những va chạm, xung đột không mong muốn trên biển; “mở rộng vùng biển xanh” nhằm xác định những tiềm năng hợp tác biển trong tương lai, thông qua việc thúc đẩy những kinh nghiệm và thực tiễn hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, các công nghệ mới, nghiên cứu và đầu tư năng lượng điện gió, chuyển đổi năng lượng biển… Cách tiếp cận này đều được các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm sâu sắc và đánh giá cao.
Điểm mới thứ hai chính là lần đầu tiên Hội thảo Quốc tế về Biển Đông đã tổ chức một phiên thảo luận dành riêng cho đại diện lực lượng Cảnh sát biển của một số nước ven Biển Đông, nhằm hướng tới thúc đẩy hợp tác, vì một Biển Đông “xanh hơn,” “minh bạch hơn.”
Ngoài ra, Hội thảo đã nâng cấp phiên dành riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ tại khu vực trở thành phiên toàn thể trong chương trình nghị sự chung. Từ nhiều năm, Chương trình lãnh đạo trẻ đã trở thành một sự kiện được tổ chức song song cùng Hội thảo chính, tạo ra một sân chơi khoa học cho thế hệ những nhà nghiên cứu trẻ từ các nước.
Năm nay, Hội thảo dành một phiên riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ với tầm nhìn tạo nhận thức cho thế hệ kế cận về tầm quan trọng của hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật và tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ về giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
- Theo ông, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần này sẽ có tác động như thế nào đến dư luận thế giới?
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần này đặc biệt là cơ hội tổng kết 15 năm chuỗi Hội thảo Quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức. Nội dung thảo luận tại Hội thảo trải rộng nhiều phương diện, từ khía cạnh chính trị-ngoại giao, đấu tranh pháp lý và các hoạt động trên thực địa, nhất là các hoạt động “vùng xám” của một số bên liên quan trong việc thực hiện yêu sách biển của mình, vai trò của các diễn đàn đa phương trong quản lý tranh chấp, các yếu tố mới tác động đến tranh chấp tại Biển Đông như vai trò của công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên biển…
Hội thảo quy tụ các chuyên gia, học giả về an ninh biển hàng đầu, các cựu quan chức Chính phủ cũng như những cán bộ đương nhiệm có nhiều năm làm việc liên quan đến Biển Đông, do vậy giúp cung cấp sát thực các đánh giá, tổng kết tình hình, tìm ra các nguyên nhân gây căng thẳng trên biển trong thời gian qua và đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin, phòng ngừa các rủi ro, tránh leo thang căng thẳng ở trên Biển Đông. Các khuyến nghị này sẽ được báo cáo lên các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách, từ đó có tác động đến chính sách phù hợp trên biển.
Đối với những đại biểu tham dự, việc gặp gỡ trực tiếp và có các tương tác, trao đổi tình hình thực tế trên biển sẽ giúp lan truyền đến công chúng các thông tin chân thực, khách quan, đặc biệt là tính thượng tôn pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, nuôi dưỡng những tiếng nói tích cực cho hòa bình, xây dựng lòng tin ở Biển Đông.
- Học viện Ngoại giao dự kiến những hoạt động gì trong thời gian tới để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông?
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn: Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại không chính thức, bán chính thức về các vấn đề chiến lược, an ninh biển, luật pháp quốc tế và hợp tác quốc tế về biển, đảo; tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới chuyên gia, học giả và các cơ quan trong nước, khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Học viện Ngoại giao mong muốn sự kiện thường niên này sẽ tiếp tục trở thành một diễn đàn an ninh biển cấp độ khu vực quan trọng, rộng mở, bao trùm và sáng tạo; là nơi gặp gỡ và là điểm giao thoa giữa các lợi ích từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!