Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 18/9, tại thủ đô Moskva, Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 với chủ đề: “An ninh và hợp tác tại Biển Đông: Sự tiến triển của những lợi ích chính trị-quân sự của các bên liên quan."
Hội thảo quốc tế Biển Đông do Viện Đông Phương học tổ chức 2 năm 1 lần, lần đầu tiên vào năm 2013.
Tham dự Hội thảo lần thứ 3 năm nay có đông đảo đại biểu là các học giả, các chuyên gia nổi tiếng về an ninh, hợp tác quốc tế và về khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, xung đột trên Biển Đông nói riêng đến từ nhiều nước trên thế giới như Nga, Singapore, Australia, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Bỉ...
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của giới truyền thông Nga và nước ngoài.
Với 18 bài tham luận được chia làm 4 phiên xoay quanh 4 nhóm vấn đề cơ bản như cách tiếp cận quân sự-chính trị với cuộc xung đột ở Biển Đông, phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về vấn đề Biển Đông năm 2016 và ý nghĩa của nó đối với giải quyết xung đột, chính quyền Mỹ mới và vấn đề quân sự hoá trong khu vực Biển Đông, các quốc gia ASEAN và quan hệ với Trung Quốc liên quan cuộc xung đột trên Biển Đông, các đại biểu đã phân tích về thực trạng tình hình Biển Đông hiện nay, đặc biệt là hơn 1 năm sau khi Tòa trọng tài La Hay ra phán quyết phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời đưa ra những đề xuất tìm kiếm hướng giải quyết xung đột trên Biển Đông bằng con đường ngoại giao hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong bài tham luận tại phiên thứ nhất, chuyên gia Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông Phương học khẳng định tình hình xung đột tại Biển Đông hiện nay đã có nhiều thay đổi, đáng chú ý là sau phán quyết của Tòa trọng tài La Hay hồi năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý và lịch sử những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 80% vùng Biển Đông hay như những thay đổi nhất định trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống.
Theo ông Mosyakov, sự cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực đang ngày càng biến cuộc xung đột trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn.
Trong khi đó, với bài tham luận có tiêu đề: “Hậu quả chính trị-pháp lý của cuộc xung đột trên Biển Đông đối với các nước ngoài khu vực,” ông Pavel Gudev - nhà nghiên cứu Khoa học lịch sử cao cấp của Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế mang tên Primakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhấn mạnh tới mối quan hệ tốt đẹp của nước này đối với cả Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, qua đó một lần nữa khẳng định quan điểm của Nga đối với cuộc xung đột ở Biển Đông là nhất quán và không thay đổi, kêu gọi các quốc gia liên quan tranh chấp không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, tìm kiếm cách giải quyết bằng con đường ngoại giao hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đưa ra những khuyến nghị nhằm sớm giải quyết cuộc xung đột trên Biển Đông bao gồm 6 điểm: Trung Quốc phải ngừng ngay việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và quân sự hóa các hòn đảo này, đảm bảo các nguyên tắc tự do hàng hải, trong khi đó Mỹ cũng phải hạn chế việc đưa các tàu chiến đến vùng biển tranh chấp; Các bên cần nhanh chóng ký kết và thực hiện đầy đủ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); Các bên cần tích cực tiến hành các cuộc đàm phán song phương và đa phương để sớm tìm ra hướng giải quyết, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu và các quốc gia như Australia, Nga và Ấn Độ cùng tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc xung đột; Cần nhanh chóng tìm kiếm những điểm đồng nhất giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế; Các bên cần từng bước lấy lại niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó tìm kiếm sự thỏa hiệp do giải quyết xung đột trên Biển Đông là một tiến trình lâu dài và phức tạp; Sự thỏa hiệp một cách toàn diện cả về chính trị và kinh tế của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và cần thiết để giải quyết triệt để cuộc xung đột trên Biển Đông./.