Trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33, ngày 19/12, Hội thảo quốc tế về "Bản quyền truyền hình" đã diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của các diễn giả trong nước và các diễn giả nước ngoài.
Bản quyền truyền hình đang là vấn đề nóng của ngành truyền thông trong nước cũng như quốc tế.
Bà Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban kiểm tra thuộc Đài truyền hình Việt Nam cho biết hiện nay, chỉ cần lướt qua một vài trang mạng là có thể dễ dàng xem lại được vô số những chương trình truyền hình ăn khách.
Đối với các đơn vị đăng tải, mỗi lượt xem chính là số tiền mà họ kiếm được từ việc thu phí tải về hay quảng cáo. Như với chương trình "The Voice 2012" của VTV, chỉ trên một trang mạng cung cấp nội dung số, lượt xem chương trình này đã lên tới hơn 53 triệu lượt. Nhờ đó các trang web này đã thu hút đông lượng khán giả và kéo theo là nguồn thu từ quảng cáo.
Tại hội thảo, tiến sỹ, Luật sư Murray Green đã đưa ra tham luận về vấn đến vi phạm bản quyền truyền hình. Tiến sỹ Murray Green cho biết bản quyền truyền hình ngày càng khó thực thi vì ngày nay nội dung chương trình có rất nhiều và sẵn ở hình thức kỹ thuật số. Rất nhanh và dễ dàng để sao chép, chỉnh sửa và sử dụng đi sử dụng lại những nội dung đó. Việc sử dụng trái phép nội dung là mối đe dọa lớn về kinh tế đối với ngành sản xuất chương trình truyền hình.
Tiến sỹ Murray Green cũng tập trung vào một số vấn đề trọng tâm hiện nay như thiết lập hệ thống để xác định và loại bỏ những chương trình bất hợp pháp, đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa tuân thủ bản quyền truyền hình trong kinh doanh, xem xét ngay việc cung cấp nội dung trên internet và phương thức phát sóng...
Ông John Medeiros, Trưởng ban Chính sách CASBAA (Hiệp hội Truyền hình Cáp và Vệ tinh châu Á) tham luận về vi phạm bản quyền trên không gian mạng Internet. Vi phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng tăng, việc vi phạm ngày càng có nhiều phương thức, công nghệ hiện đại.
Ông John Medeiros cho biết tại khu vực châu Á, các chính phủ quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ trong vấn đề vi phạm bản quyền trên Internet, các chế tài chưa đủ mạnh để xử lý việc vi phạm bản quyền. Do vậy thay vì quản lý Internet bằng các chế tài, chúng ta nên có chế độ chính sách thúc đẩy truyền hình phát triển, thu hút đông đảo người xem. Đây là hình thức cạnh tranh tốt nhất để loại trừ vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Theo Ban tổ chức, nét mới tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 đó là các yêu cầu sao chép tác phẩm truyền hình sẽ được gửi tới đơn vị sản xuất chương trình và nếu chủ nhân đồng ý, việc sao chép mới được thực hiện./.