Hội thảo quốc tế bàn chiến lược bảo tồn hổ Amur

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận về "dân số," đặc tính sinh học, điều kiện sống, nguyên tắc và phương pháp bảo tồn loài hổ Amur.
Chiến lược và kế hoạch bảo tồn loài hổ Amur ở Nga là chủ đề bàn thảo chính của hội thảo khoa học quốc tế "Hổ Amur ở Đông Bắc Á: Vấn đề bảo tồn trong thế kỷ XXI", khai mạc ngày 16/3 tại Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Tham gia hội thảo có hơn 100 chuyên gia từ nhiều nước và tổ chức, trong đó có Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF), Ngân hàng Thế giới (WB)...

Trong hội thảo kéo dài ba ngày, các đại biểu sẽ thảo luận một loạt vấn đề như tình trạng "dân số" hổ Amur so với các loài hổ khác trên thế giới; những đặc tính sinh học và điều kiện sống; nguyên tắc và phương pháp bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Khoảng 90% số hổ Amur còn lại trên thế giới tập trung tại vùng rừng Taiga rộng lớn ở Siberi và vùng Viễn Đông của Nga.

Theo số liệu năm 2005, số hổ Amur ở vùng Primorie và Krai Khabarovsk của Nga còn khoảng 400-500 con.

Từ năm 1996, Nga đã thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn hổ Amur, gồm một loạt biện pháp tổng thể nhằm theo dõi, kiểm soát loài hổ, đồng thời cấm nghiêm ngặt việc săn bắt loài động vật này.

Chỉ riêng trong hai năm 2007-2008, Nga đã thành lập ba vườn quốc gia và rừng cấm liên bang mang tên “Cọp gấm,” quy hoạch bảo vệ 770 hécta rừng là nơi sinh sống của loài "Chúa sơn lâm."

Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp bảo vệ tích cực, trong vòng bốn năm trở lại đây, các nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên cảnh báo số lượng hổ Amur đang giảm dần.

Theo WWF, số lượng hổ Amur đã giảm 10-15%, song các chuyên gia Mỹ cho rằng con số giảm này phải tới 40%.

Hiện, các nhà sinh học và sinh thái học đang nghiên cứu tại vùng rừng taiga là nơi sinh sống của loài hổ Amur để làm sáng tỏ vấn đề này.

Hội thảo ngày 16/3 là bước chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao thế giới về loài hổ, dự kiến diễn ra ở Vladivostok vào tháng Chín tới, bàn biện pháp bảo tồn loài động vật ăn thịt được mệnh danh là "Chúa sơn lâm" này.

Các nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên đánh giá tình hình bảo tồn giống hổ trên hành tinh đang "ở mức tai họa".

Trong vòng 100 năm trở lại đây, số lượng hổ trên thế giới đã giảm đi 25 lần, từ 100.000 xuống còn 4.000 con. Ví dụ như ở Ấn Độ, từ năm 1995 đến năm 2005, số lượng hổ đã giảm từ 3.500 con xuống còn 1.300 con.

Hổ đã biến mất hoàn toàn tại một loạt khu vực từng là địa bàn kiếm ăn của chúng như Ngoại Kavkaz, vùng Trung Á, các đảo Bali và Java./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục