Hội thảo quản lý nước thải ở khu công nghiệp ĐBSCL

Hội thảo quốc tế quản lý tổng hợp nước thải tại khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra ngày 11/10 tại Cần Thơ.
Ngày 11/10, tại Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Dự án AKIZ (Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế quản lý tổng hợp nước thải tại khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Chi cục Môi trường khu vực Tây Nam Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có 120 khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích hơn 26.500ha. Định hướng đến năm 2020, toàn vùng sẽ có khoảng 240 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tương đương với diện tích 50.000ha…

Sự phát triển không ngừng về mặt số lượng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, tuy giải quyết được bài toán về phát triển kinh tế, nhưng vùng cũng đối mặt với những tác động môi trường tiêu cực từ quá trình hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí và chất thải rắn…

Theo báo cáo về quản lý môi trường tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã xả thải các chất ô nhiễm chưa qua xử như nước thải với trung bình 47 triệu lít nước thải/năm và 220.000 tấn/năm chất thải rắn; từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị thêm nghiêm trọng…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%. Nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp…

Báo cáo đánh giá, ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ khu chế khu công nghiệp trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác…

Nước thải từ khu công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu phát sinh từ các ngành công nghiệp chế biến như thủy sản, rau quả… Do đặc tính phức tạp cũng như nồng độ ô nhiễm cao, nước thải từ quá trình chế biến rau quả, thủy sản ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long hầu hết vẫn chưa được thu gom và xử lý triệt để tại trạm xử lý tập trung trước khi được xả thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận...

Hiện, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khoảng 75% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Năm 2010, qua thanh tra 27 khu công nghiệp trên địa bàn 12 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thì có tới 25/27 khu công nghiệp có các hành vi vi phạm như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung; không xây dựng công trình xử lý môi trường và thực hiện không đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Tây Nam Bộ cho biết, nguyên nhân dẫn đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được tốt là do các tỉnh, thành trong vùng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. Bên cạnh đó, ở một số dự án có trình độ công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tiếp tục đưa vào sản xuất gây ô nhiễm môi trường kéo dài rất khó giải quyết. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn chưa làm tốt theo quy định. Vì vậy ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến, một số nơi hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung của quyết định phê chuẩn của cơ quan chức năng về bào vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn mang tính chất thủ tục chưa thật sự là căn cứ kỹ thuật, pháp lý và trách nhiệm để tổ chức thực hiện.

Để giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ nguồn nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tại hội thảo nhiều ý kiến đề xuất cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trức lúc đưa vào hoạt động. Đặc biệt là nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư và thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định của luật Bảo vệ môi trường../.

Thanh Sang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục