Hội thảo Nga-Việt về thúc đẩy phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ

Hội thảo giúp thúc đẩy tiến trình chung của phụ nữ hai nước tham gia vào khoa học, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời tăng cường giao lưu phụ nữ và nhân dân hai nước.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyến (giữa, hàng trước), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo tại đầu cầu Trụ sở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam. (Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam)
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyến (giữa, hàng trước), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo tại đầu cầu Trụ sở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam. (Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Chiều 27/3, Hội thảo trực tuyến giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) đã diễn ra với chủ đề "Thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong Khoa học công nghệ."

Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm trong thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ hai nước vào khoa học.

Về phía Việt Nam tham dự Hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện phía Nga có quyền Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov.

Ngoài ra còn có đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cùng gần 90 đại biểu là đại diện các nhà khoa học nữ, giảng viên và sinh viên hai nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vyacheslav Kalganov, cho biết trong truyền thống ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối giữa hai quốc gia.

Tại Nga hiện nay, các nhà khoa học nữ đạt được những thành công rất đáng kể trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, cũng như trong lĩnh vực phát triển kỹ thuật và công nghệ. Mặc dù vậy trong cộng đồng khoa học Nga vẫn tồn tại sự mất cân bằng giới tính đáng kể.

Để cải thiện tình hình này, Chính phủ Nga đang xem xét một loạt vấn đề thời sự liên quan đến phụ nữ làm khoa học như tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho các nhà khoa học nữ không bị gián đoạn khi sinh con và nuôi con, hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao tại các ngành công nghiệp quan trọng, vai trò của phụ nữ trong phát triển khoa học và giáo dục ở địa phương, quảng bá thành tựu của các nhà khoa học nữ và nâng cao sự hấp dẫn của sự nghiệp khoa học.

Ông Kalganov đánh giá Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đi cùng với đó là những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, nữ trí thức Việt Nam đã từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò quan trọng của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh đó, ông nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo trong thúc đẩy tiến trình chung của phụ nữ hai nước tham gia vào khoa học, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời tăng cường giao lưu phụ nữ và nhân dân hai nước, góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.

Về phần mình, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết trên thế giới, trong đó có Nga và Việt Nam đã có nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng tài năng, với những nghiên cứu và đóng góp làm thay đổi lịch sử nhân loại, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, việc phát triển khoa học công nghệ càng trở nên cần thiết.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Song hành với đó là Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nữ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nữ tiếp tục theo đuổi đam mê, nghiên cứu khoa học cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các lực lượng phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ như: thúc đẩy việc thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam (năm 2011); ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó có khoa học, công nghệ (năm 2021); triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số, nổi bật là Giải thưởng Kovalevskaia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận về những thành tựu của phụ nữ hai nước trong khoa học, trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng ngoại giao nhân dân góp phần thúc đẩy vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến hy vọng thông qua Hội thảo, hai tổ chức sẽ trao đổi thông tin, kinh nghiệm, gợi mở thêm những sáng kiến mới, giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy phụ nữ hai nước tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và phụ nữ hai nước trong lĩnh vực này.

Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các chương trình trao đổi, hội thảo và diễn đàn trực tuyến và online để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào khoa học, đề ra các nhiệm vụ cụ thể để phát triển giới khoa học hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục