Ngày 22/9, tại Copenhagen đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị và cải cách giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và dạy nghề vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.”
Đây là hội thảo do Trường Kinh doanh Copenhagen tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia, học giả của Đan Mạch và Việt Nam cũng như quốc tế nhằm thảo luận các biện pháp giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới xác lập vị trí cao hơn cho hơn Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Đan Mạch liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Tham gia phần trình bày mang tính định hướng cho các thảo luận tại hội thảo với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và tiềm năng hợp tác Việt Nam-Đan Mạch,” Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị giới thiệu về tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, phân tích các nội dung cốt lõi của “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030” được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2021.
[Doanh nghiệp Đan Mạch tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam]
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, là một quốc gia đang phát triển, có khát vọng vươn lên nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đặt quyết tâm và cam kết rất cao đối với phát triển bền vững trên cơ sở xác định 4 trụ cột:
Một là, lấy tăng trưởng bền vững làm mục tiêu xuyên suốt, xây dựng chính sách có tầm nhìn dài hạn, không đánh đổi phát triển bằng mọi giá.
Hai là, xác định con người là trung tâm của mọi quyết sách, trong đó có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia nhằm phục vụ cao nhất lợi ích của nhân dân theo tinh thần “không bỏ ai lại phía sau.”
Ba là, chuyển trọng tâm từ ưu tiên “số lượng” sang “chất lượng,” tập trung thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có tiêu chuẩn, chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có giá trị lan toả, vừa khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư các dự án “thế hệ mới,” vừa tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển theo hướng bền vững, cân bằng.
Bốn là, kêu gọi các quốc gia có cách tiếp cận công bằng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, theo đó các nước phát triển có nguồn lực, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tăng cường hợp tác, chia sẻ với các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lương Thanh Nghị cũng giới thiệu về các thành tựu kinh tế và tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua, cung cấp thông tin về quan hệ Việt Nam-Đan Mạch, đặc biệt hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, trên cơ sở đó nhận diện cơ hội và thách thức đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích hai nước.
Đại sứ Lương Thanh Nghị cho rằng các thành tựu trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua là rất đáng khích lệ. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch, về cơ bản đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng và giá trị xuất-nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và chỉ khoảng 30% vốn đầu tư đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Điều này cho thấy sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn tương đối yếu, giá trị gia tăng đóng góp cho xuất khẩu còn chưa cao, vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu còn khá thấp.
Để giải bài toán nâng hạng Việt Nam trong các chuỗi giá trị, cung ứng và sản xuất toàn cầu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị giữa Thủ tướng, Lãnh đạo Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp với Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước ngày 19/9, cần có sự đóng góp hiệu quả, thực chất của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trên cơ sở tăng cường hợp tác với chuyên gia, nhà khoa học Đan Mạch và quốc tế.
Chia sẻ đánh giá của Đại sứ Lương Thanh Nghị, Giáo sư Ari Kokko, chuyên gia hàng đầu thế giới về các vấn đề kinh tế phát triển và thương mại quốc tế từ Trường Kinh doanh Copenhagen, cho rằng mặc dù Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động và nhiều tiềm năng nhất thế giới hiện nay, phần lớn đóng góp cho giá trị xuất khẩu và thặng dư thương mại của Việt Nam đến từ khu vực FDI, trong khi giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, vai trò của khu vực công nghiệp phụ trợ còn yếu.
Lấy dẫn chứng chỉ 1 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam là Samsung đã đóng góp khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trong khi chỉ có 4/60 các nhà cung cấp dịch vụ thuộc “nhóm 1” cho hoạt động sản xuất của Samsung tại Việt Nam là các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp này cung cấp các dịch vụ không thiết yếu, có giá trị gia tăng thấp.
Đại sứ Lương Thanh Nghị đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tính bất định gia tăng như hiện nay, thách thức luôn song hành cùng cơ hội.
Để có thể tận dụng tốt cơ hội và hoá giải thách thức, cần có cách tiếp cận toàn diện và bao trùm, xác định nội lực, tự lực, tự cường là nhân tố có tính quyết định, ngoại lực là nhân tố quan trọng, cần thiết, tạo sức mạnh tổng hợp giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về tăng trưởng bền vững.
Trên cơ sở đó, Đại sứ Lương Thanh Nghị bày tỏ hy vọng thông qua trao đổi, thảo luận khoa học tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, Đan Mạch và quốc tế sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá nhằm đưa ra các tư vấn, khuyến nghị chính sách hữu ích cho chính phủ cũng như định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu, phục vụ các mục tiêu phát triển và tăng trưởng bền vững của Việt Nam./.