Hội thảo khoa học về quan hệ song phương đặc biệt Việt Nam-Lào

Một trong những điều vô cùng quan trọng khiến quan hệ Việt Nam-Lào trở nên đặc biệt là giữa hai nước có lòng tin chính trị, lòng tin chiến lược thực sự sâu sắc và vững chắc.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng (thứ 2 bên trái) cùng các thành viên trong Hội đồng lý luận TW Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại cuộc Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 29/8, tại trụ sở Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ở thủ đô Vientiane, Hội đồng lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã tổ chức hội thảo khoa học mang chủ đề “60 năm quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Lào-Việt Nam,” dưới sự chủ trì của ông Khamphanh Pheuyavong - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, ông Somsavat Lengsavath - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Lào, cùng khoảng 200 lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các ban, bộ, ngành của Lào.

Hội thảo được tiến hành trong bầu không khí sôi nổi khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hai nước Lào-Việt Nam đang tổ chức hàng loạt hoạt động kỷ niệm hai ngày lịch sử trọng đại của hai nước là 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào để ôn lại truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam.

[Nơi ghi dấu tình hữu nghị đoàn kết, keo sơn Việt Nam-Lào]

Hội thảo cũng nhằm đánh giá những kết quả của mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào.

Hội thảo đã nghe bốn tham luận về các bài học kinh nghiệm trong hợp tác lý luận, thực tiễn gồm quan hệ hợp tác trong nghiên cứu lý luận, thực tiễn giữa hai Đảng của Lào và Việt Nam; 60 năm quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam; Hợp tác trong xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Lào-Việt Nam; Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam.

Hội thảo cũng lắng nghe các phát biểu của các đại biểu tham dự liên quan các nội dung của tham luận và bài học kinh nghiệm trong quan hệ hợp tác Lào-Việt Nam nói chung và hợp tác trong nghiên cứu lý luận, thực tiễn giữa hai Đảng, hai Nhà nước Lào-Việt Nam thời gian qua.

Quanh cảnh Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh một trong những điều vô cùng quan trọng khiến quan hệ Việt Nam-Lào trở nên đặc biệt hơn các mối quan hệ quốc tế khác là giữa hai nước có lòng tin chính trị, lòng tin chiến lược thực sự sâu sắc và vững chắc; lòng tin đó đang tiếp tục được gia tăng khi hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Đại sứ khẳng định lòng tin này được hình thành, vun đắp, thử thách, tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử hai nước kề vai sát cánh chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, giúp hai nước luôn đứng vững trước những biến động của thời cuộc, trước âm mưu chia rẽ, chống phá của các thế lực thù địch và là nền tảng cho tương lai của quan hệ và hợp tác giữa hai nước Lào-Việt Nam anh em.

Minh chứng thêm cho sự đặc biệt của quan hệ Việt Nam-Lào, Đại sứ dẫn câu nói của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khi tiếp các đoàn Việt Nam trong thời gian gần đây, nhấn mạnh rằng: “Giữa Lào và Việt Nam có 04 chữ Tình, đó là: Tình đồng chí cùng chung lý tưởng cộng sản; Tình anh em cùng chung một cha mẹ là Đảng Cộng sản Đông Dương; Tình bạn là những người bạn thân thiết, vui buồn có nhau; và Tình đoàn kết đặc biệt, keo sơn gắn bó, thủy chung son sắt. Tôi xin được bổ sung một chữ Tình vô cùng cao đẹp nữa giữa Việt Nam và Lào, đó là Tình đồng đội sống chết có nhau, bên nhau, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”...

Ông Khamphanh Pheuyavong đánh giá cao kết quả hội thảo lần này, khẳng định mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng hai nước Lào-Việt Nam vẫn luôn cùng nhau phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện lên một tầm cao mới, trong đó có việc tăng cường trao đổi các bài học kinh nghiệm về lý luận, thực tiễn để trao đổi thông tin liên quan tới việc xác định đường lối, tầm nhìn chiến lược trong phát triển đất nước; củng cố, tăng cường sự tin cậy, phối hợp chặt chẽ thường xuyên trong các vấn đề mang tính chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

Hai nước điều chỉnh cơ chế hợp tác về chính trị-ngoại giao ngày càng đi vào chiều sâu; giải quyết các vấn đề gây cản trở trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, tạo điều kiện thuận tiện trong việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước, phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ nhau; tiếp tục hợp tác trong xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn; quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần phục vụ yêu cầu bảo vệ, phát triển đất nước.../.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục