Hội thảo khoa học về Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế kỷ 13

Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu của tỉnh Quảng Ninh có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và có thêm các kiến thức, cách tiếp cận, đánh giá mới về chiến thắng Bạch Đằng và Nhà Trần.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 22/12, tại thành phố Hạ Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13."

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho biết năm 2018 là năm kỷ niệm đánh dấu 730 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288-2018) và 710 năm ngày mất của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1308-2018).

Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc tế “Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá ý nghĩa lịch sử và vị trí then chốt của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13, đồng thời là dịp tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học trong nước, quốc tế; góp phần bảo tồn và phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa gắn với triều Trần và thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử.

[Đại lễ tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn]

Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu của tỉnh Quảng Ninh có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và có thêm các kiến thức, cách tiếp cận, đánh giá mới về chiến thắng Bạch Đằng và Nhà Trần tại tỉnh Quảng Ninh.

Thông qua hội thảo, có thể có các cơ hội hợp tác, liên kết trong hoạt động bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di sản, đồng thời củng cố, làm phong phú thêm tư liệu lịch sử của tỉnh.

Trong lịch sử Trung đại Việt Nam, thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân Mông-Nguyên thế kỷ 13 nói chung, chiến thắng Bạch Đằng vào mùa Xuân năm 1288 nói riêng của nước Đại Việt dưới Triều Trần có ý nghĩa quan trọng.

Sau cuộc chiến, những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh trong hoạt động nội trị cũng như biện pháp khôn khéo trong hoạt động ngoại giao đã giúp duy trì, củng cố nên hòa bình của quốc gia Đại Việt và tạo nên một giai đoạn thịnh trị của vương triều Trần. Đó cũng chính là cơ sở nền tảng cho một hệ tư tưởng dân tộc hình thành, phát triển và có ảnh hưởng đến tận ngày nay là tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Cũng tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết hội thảo giúp làm rõ những đóng góp của vương triều Trần trong cuộc kháng chiến; những chính sách khai mở, tiến bộ của nhà Trần sau cuộc chiến, đặc biệt là tư tưởng hòa giải dân tộc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng những cống hiến to lớn của Phật Hoàng với sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Hội thảo đã nhận được 41 tham luận của các diễn giả, nhà khoa học liên quan đến chủ đề Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13.

Trong khuôn khổ hội thảo có các phiên thảo luận: Đế chế Mông-Nguyên và quốc gia Đại Việt trong bối cảnh toàn cầu thế kỷ XIII; Chiến trận Bạch Đằng- tư liệu mới, nhận thức mới; Vương Triều Trần: kinh tế, chính trị, quân sự; Vương Triều Trần: xã hội, văn hóa, giáo dục.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục