Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ"

Tại hội thảo diễn ra ngày 28/4, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những đóng góp to lớn về sức người, sức của của tỉnh Thanh Hóa vào chiến thắng của dân tộc.
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 28/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với Chiến thắng Điện Biên Phủ."

Hội thảo là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thêm một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn về sức người, sức của của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào chiến thắng của dân tộc.

Hội thảo đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Các đại biểu dự hội thảo đã dành nhiều thời gian phân tích, thảo luận, nêu bật những đóng góp, hy sinh, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã góp sức mình vào công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Ý kiến của nhiều đại biểu đã làm rõ cơ sở khách quan khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Thanh Hóa với tư cách là hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; làm sáng rõ sự quan tâm của Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với Thanh Hóa trong sự nghiệp cách mạng; sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ Thanh Hóa trong xây dựng tỉnh thành hậu phương lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ; những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, các lực lượng vũ trang, các ngành, địa phương, các vùng, miền... của tỉnh Thanh Hóa cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cùng với đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã nêu nhiều đề xuất, kiến nghị và luận giải tính khoa học của các giải pháp nhằm phát huy truyền thống hào hùng Điện Biên Phủ để xây dựng quê hương Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với cả nước, quân và dân Thanh Hóa đã dồn sức người, sức của góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với những đóng góp, hy sinh đó, Bác Hồ đã khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó."

Lời của Bác trở thành nguồn động viên to lớn, thúc giục hàng triệu trái tim của đồng bào Thanh Hóa nỗ lực, cố gắng vươn lên, đóng góp công sức của mình cho nền độc lập, tự do của đất nước. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa đã trở thành hậu phương và tỉnh kiểu mẫu là vinh dự, trách nhiệm lớn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Theo đó, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh đã chủ động sáng tạo lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động được 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ôtô, 180 xe bò...

Đặc biệt, hàng chục nghìn dân công hỏa tuyến, 120.000 thanh niên xung phong... là con em Thanh Hóa tham gia chiến dịch. Chính trong thời điểm này, xe thồ - một phương tiện thô sơ đã được sử dụng sáng tạo làm phương tiện chủ yếu vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, khí tài phục vụ chiến dịch; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc trường chinh kháng Pháp của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục