Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC Sóc Trăng 2014), sáng 5/11, Hội thảo khoa học về cuộc đời, sự nghiệp của bác sỹ nông học Lượng Định Của với chủ đề “Lương Định Của - nhà nông học vì dân, vì nước” đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị tỉnh Sóc Trăng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cùng hơn 200 cán bộ khoa học đầu ngành, nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp các viện, trường đã tham dự và có tham luận tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có bà Nakamura Nobuko (người Nhật, năm nay đã 92 tuổi), vợ của cố bác sỹ nông học Lương Định Của.
Các tham luận tại Hội thảo xoay quanh cuộc đời, những thành tựu, đóng góp của bác sỹ nông học Lương Định Của - người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, “cánh chim đầu đàn” của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Một số tham luận đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho cán bộ ngành nông nghiệp, đề xuất những giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu toàn cầu...
Theo ông Lê Thành Quân - Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng vô cùng tự hào về bác sỹ nông học Lương Định Của - người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, nhà trí thức lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động, cống hiến của ông là tấm gương sáng cho cán bộ, nhà khoa học ngành nông nghiệp Việt Nam noi theo.
Để tỏ lòng tôn kính với người con ưu tú của quê hương, tỉnh Sóc Trăng đã đặt tên một con đường tại trung tâm thành phố Sóc Trăng mang tên ông, một trường trung học phổ thông tại huyện Long Phú - quê hương ông, một quỹ học bổng mang tên ông. Năm 2012, tỉnh cũng đã khánh thành nhà lưu niệm Anh hùng Lao động, bác sỹ nông học Lương Định Của tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú.
Nhà nông học Lương Định Của sinh năm 1920, mất ngày 28/12/1975, tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú). Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Đại học Kyushu, ngành Nông học (tại Nhật Bản). Năm 1951, ông bảo vệ xuất sắc luận án di truyền học về đề tài "Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới" và được Hội đồng khoa học trường Đại học Kyushu nhất trí cấp học vị bác sỹ bông học - học vị cao nhất và cũng là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị tại Nhật Bản lúc bấy giờ.
Năm 1952, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng vợ (người Nhật) và con về nước, trở thành một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông cũng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa 2 đến khóa 5; được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1967; được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1975 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt một năm 1996./.