Hội thảo 'Hiểu đúng về ô nhiễm không khí' tại thành phố Hà Nội

Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng người dân nên chọn đúng những trang đo chất lượng không khí được cơ quan chức năng công nhận để tránh hoang mang, nhầm lẫn
Hội thảo 'Hiểu đúng về ô nhiễm không khí' tại thành phố Hà Nội ảnh 1Một phần khói từ những vụ đốt rơm rạ này bay vào nội thành, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nhằm thông tin đầy đủ cho các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân hiểu đúng về diễn biến ô nhiễm không khí trong thời gian qua, ngày 11/10, tại Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Mạng lưới Không khí Sạch (VCAP) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) tổ chức Hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội.”

Mục đích là phản ánh sự nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện chất lượng không khí; đồng thời thể hiện sự tham gia của cộng đồng, các bên liên quan (các tổ chức phi chính phủ - NGO) trong việc cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Để hiểu đúng về những chỉ số chất lượng không khí (AQI), tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nêu rõ hiện người dân đã có ý thức xem AQI hàng ngày vì từ đó mọi người sẽ hiểu biết hơn về tác hại của ô nhiễm không khí.

Những thông tin của hệ thống quan trắc không khí một phần cung cấp số liệu cho cơ quan quản lý, một phần là thông tin rộng rãi có tính cảnh báo đến người dân.

Tuy vậy, những trang web, app đo chất lượng không khí hiện nay xuất hiện rất nhiều, độ chính xác đến đâu thì khó có thể kiểm định hết được.

[Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chất lượng không khí tại Hà Nội]

Do đó, người dân nên chọn đúng những trang đo chất lượng không khí được cơ quan chức năng công nhận.

Ngay cả ở những trang chuẩn xác thì mỗi trạm đo ô nhiễm không khí vẫn không thể khẳng định không gian được đo có bán kính là bao nhiêu.

Nếu trạm đo đặt ở nơi bằng phẳng, không có hoạt động đốt rác hay xả rác thải thì trạm có thể đại diện cho một vùng rộng lớn.

Còn nếu ở vùng đô thị thì trạm chỉ đại diện cho một phạm vi nhỏ vì mật độ nhà cửa nhiều nên chắn mất luồng gió.

Hơn nữa, người dân có thể đốt vàng mã, dùng bếp than tổ ong... nên trạm đo không đưa ra kết quả chính xác.

"Chất lượng không khí được quy ước theo màu. Cứ nhìn theo màu kèm khuyến cáo ở các mức độ 'kém,' 'trung bình,' 'độc hại' hay 'vô cùng độc hại' mà người dân cần cân nhắc nên hay không nên ra đường. Trong đó mức độ báo động đỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người, tốt nhất không ra đường" - tiến sỹ Tùng khuyến cáo.

Bàn về các giải pháp đã và đang triển khai nhằm giảm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), cho biết ước tính mỗi ngày thành phố Hà Nội tiêu thụ trên 400 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu. Đây chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.

Năm 2019, Hà Nội đã thiết lập và quản lý, vận hành ổn định, liên tục 10 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn.

Xây dựng Dự án Hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc lưu động).

Hà Nội đang triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, tuyên truyền và xây dựng lộ trình đến ngày 31/12/2020 không còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong...

Đồng thời, thành phố cũng triển khai các Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”; Đề án chống ồn, chống bụi trên địa bàn thành phố…

Hà Nội cũng tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê nguồn thải; phân tích thành phần hóa học trong bụi để xác định nguồn gây bụi...

Đại điện các tổ chức phi chính phủ (NGO) tham gia hội thảo nhấn mạnh tới sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc cải thiện chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội, nhất là huy động sự tham gia của các thành phần xã hội để thực hiện các giải pháp xanh.

Các doanh nghiệp đầu tư giải pháp xanh trong sản xuất kinh doanh để giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng thì cần được khuyến khích bằng những ưu đãi cụ thể về thuế, phí và cơ hội đầu tư, về thị trường...

Các cơ quan quản lý cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi cụ thể về thuế, phí, cơ hội đầu tư mới giúp quá trình vận động “xanh hóa” đạt hiệu quả thiết thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục