Hội thảo giới thiệu tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam tại Bỉ

Hội thảo "Việt Nam, điểm đến Xanh" tại Vương quốc Bỉ nhằm giới thiệu về những tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cảng bền vững ở Việt Nam.
Hội thảo giới thiệu tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam tại Bỉ ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN)

Hội thảo "Việt Nam, điểm đến Xanh" đã diễn ra trong ngày 22/6 tại thủ đô của Vương quốc Bỉ.

Đây là sự kiện do Liên minh Bỉ-Việt Nam (BVA) phối hợp tổ chức cùng Cơ quan Kỹ thuật quốc tế Flanders (FITA), nhằm giới thiệu về những tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cảng bền vững ở Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã nổi lên như một trong những vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng nhất của thời đại hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và do đó đang nỗ lực xây dựng kế hoạch ứng phó với khí hậu và phát triển kinh tế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

[Hơn 9.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió tại Lạng Sơn]

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg, đồng thời là Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh hơn hai năm sau đại dịch COVID-19, thế giới nói chung và hai khu vực Á-Âu nói riêng đang chứng kiến những tín hiệu tích cực của giai đoạn “bình thường mới” nhờ nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, môi trường kinh tế thế giới còn mong manh do nhiều yếu tố khác nhau, như những bất ổn địa chính trị, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, sự gián đoạn nghiêm trọng các chuỗi cung ứng, sức ép từ lạm phát gia tăng, cũng như những thách thức của phát triển bền vững và các tác động khôn lường của biến đổi khí hậu.

Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, là một trong những nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai và do đó, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của phát triển bền vững, của phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một cam kết được đánh giá là bước ngoặt lịch sử: Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định Bỉ là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về các giải pháp thân thiện với môi trường, là nơi có những cảng biển hiện đại và phát triển nhất châu Âu, do vậy, khả năng hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cảng xanh là rất lớn.

Theo các diễn giả, với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm đáng kể điện than.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần phải gia tăng công suất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời và gió.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Marc Stordiau - Chủ tịch Tập đoàn Rent-a-Port kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và kỹ thuật cảng biển quốc tế (IPEI) cho biết tập đoàn đang nỗ lực hợp tác cùng Việt Nam đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh. Với những kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở châu Âu, tập đoàn đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng các trạm điện gió tại tỉnh Bình Thuận.

Hơn nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Ông Marc Stordiau cho biết tập đoàn của ông cũng thực hiện dự án mô hình thử nghiệm "Nước từ Gió" (WbW) tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian từ 2020-2022.

Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu thử nghiệm giải pháp cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại các vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bằng hệ thống khử mặn nước sử dụng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời.

Còn ông Kim Demeyer, cố vấn khoa học kỹ thuật của Cơ quan thương mại và đầu tư vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ), khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư châu Âu.

Với tư cách là người hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Bỉ tìm hiểu thị trường đầu tư tại Việt Nam, bà Eve Devoldere - Tham tán thương mại và đầu tư thuộc Văn phòng Cục xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders tại Việt Nam - đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Tại hội thảo, các diễn giả đều khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển năng lượng tái tạo nhưng để thúc đẩy lĩnh vực này, theo ông Marc Stordiau, Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề: Xây dựng một mạng lưới điện tốt hơn, với các phương tiện lưu trữ; Tăng cường kết nối với bờ biển cho các công viên ngoài khơi và Xác định lại biểu thuế cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Andries Gryffroy - Thượng Nghị sỹ liên bang, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Bỉ-Việt đánh giá cao những kinh nghiệm, đề xuất của các diễn giả tại hội thảo.

Ông cho biết Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 từ ngày 28-30/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây sẽ là dịp để đại diện các cơ quan, doanh nghiệp đến từ châu Âu, trong đó có các doanh nghiệp Bỉ, mang đến cho Việt Nam các giải pháp bền vững để hỗ trợ một nền kinh tế Việt Nam xanh bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục