Hội thảo “Điện Biên Phủ trên không”: Ý chí và niềm tin tất thắng

Trung tướng Vũ Văn Kha khẳng định chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

“Điện Biên Phủ trên không: Ý chí và niềm tin tất thắng” là Hội thảo khoa học do Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức sáng 16/11, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022).

Tại hội thảo, Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân nêu rõ ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực lân cận trên địa bàn miền Bắc.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, quân và dân miền Bắc - nòng cốt là lực lượng Phòng không-Không quân đã lập nên chiến công vô cùng oanh liệt, góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX, mốc son chói lọi trên bước đường trưởng thành và chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng trong thời đại Hồ Chí Minh, Trung tướng Vũ Văn Kha khẳng định.

[Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không: Biểu tượng bản lĩnh VN]

Tại Hội thảo, các đại biểu đã luận giải, khẳng định và làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng về lãnh đạo nhân dân ta tiến hành hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc; làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến dịch của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với quân và dân miền Bắc, trực tiếp là Quân chủng Phòng không-Không quân. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ tháng 12/1972.

Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá cụ thể về tình hình chiến trường Việt Nam; tương quan lực lượng của ta và địch, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ khi quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận trên miền Bắc Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu cũng luận giải sâu sắc nét độc đáo của nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân, nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không nhân dân, nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân; xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu, niềm tin chiến thắng của cán bộ, chiến sỹ trong cuộc đối đầu lịch sử.

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Tuân, phi công diệt máy bay B-52 trong Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" cho biết lực lượng Không quân được Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định hai nhiệm vụ chủ yếu là đánh từ xa, uy hiếp và tiêu diệt B-52 trước khi vào mục tiêu và phối hợp với pháo phòng không đánh địch ban ngày bảo vệ mục tiêu, đặc biệt là bảo vệ các trận địa tên lửa, để tên lửa tập trung đánh B-52 ban đêm.

“Đêm 27/12, tôi được lệnh xuất kích với sự dẫn đường của hai trạm ra đa Mộc Châu và Thọ Xuân. Phi công chủ động tránh các tốp F-4 bay về hướng Sơn La, Nà Sản, sau đó vòng trái tăng tốc độ, độ cao và phát hiện được B-52 ở cự ly 10km. Với tốc độ lớn, lại được dẫn đường thông báo kịp thời, phi công bình tĩnh vượt các tốp F4 bám sát mục tiêu B-52, đến cự ly gần 2km phóng hai quả đạn tên lửa vào cùng chiều bên phải B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội không quân tiêu diệt,” Trung tướng Phạm Tuân cho biết.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không,” rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không; nghiên cứu phát triển nghệ thuật chiến dịch phòng không, cũng như về công tác chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân với các lực lượng phòng không ba thứ quân, không quân toàn quân và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Các đại biểu cũng gợi mở những giải pháp hiệu quả để phát huy giá trị của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục