Ngày 5/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam" với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong cả nước.
Phát biểu đề dẫn, giáo sư, tiến sỹ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết “Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam” là hội thảo đầu tiên về vấn đề này dưới góc độ sử học và ông hy vọng hội thảo sẽ mở đầu cho nhiều hội thảo khoa học tiếp theo.
Theo giáo sư, tiến sỹ Võ Văn Sen, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam khẳng định hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng.
Trước hành động khiêu khích của chế độ diệt chủng ở vùng biên giới, Việt Nam đã rất kiềm chế và tỏ rõ tinh thần thiện chí, hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Bên cạnh đó, việc quân tình nguyện Việt Nam sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế là cần thiết nhằm ngăn chặn chế độ diệt chủng khôi phục trở lại. Điều này đã được các lãnh đạo của Campuchia khẳng định sau này.
[Giải phóng Phnom Penh và câu chuyện về giáo sư trong nhà tù Khmer Đỏ]
Hơn 50 tham luận được gửi tới hội thảo cùng ý kiến trình bày từ các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung làm rõ sự cần thiết, tính tất yếu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (giai đoạn 1977-1979); làm rõ việc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (trước ngày 7/1/1979) và nhiệm vụ quốc tế của Việt Nam ở Campuchia (1979-1989) là hai vấn đề khác nhau, mỗi vấn đề có bối cảnh lịch sử, nguyên nhân, diễn biến khác nhau nhưng có quan hệ logic với nhau.
Hội thảo cũng tập trung làm rõ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có liên hệ trực tiếp với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và làm thay đổi lớn quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng như tác động đến tình hình đất nước sau chiến tranh.
Theo đại tá, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Muốn nhận diện được cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cần xem xét cả một quá trình. Khi định danh cho sự kiện lịch sử này cần gọi là “cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới” chứ không nên coi đó là hai cuộc chiến tranh tách rời nhau.
Nhiều đại biểu cho rằng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam diễn ra nhanh như một cuộc phản công tự vệ của lực lượng vũ trang Việt Nam, mạnh mẽ, dứt khoát và hiệu quả.
Phó giáo sư, tiến sỹ Hà Minh Hồng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kiểu mới của quân và dân Việt Nam thời hiện đại với nhiều đặc điểm đặc thù. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, đạt được những kết quả thành công mang nhiều ý nghĩa dân tộc và quốc tế to lớn: đã đánh bại các lực lượng chiến tranh, bộ máy chiến tranh của chế độ diệt chủng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc; tiêu diệt chế độ diệt chủng, giúp nước bạn Campuchia làm lại cuộc cách mạng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích nhiều khía cạnh, vấn đề về bối cảnh, nguyên nhân, diễn biến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nghệ thuật quân sự, ngoại giao của Việt Nam; kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…/.