Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển" sẽ tập trung tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn để văn hóa Việt Nam “soi đường cho quốc dân đi,” để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đó là nội dung Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định trong cuộc họp báo ngày 22/2, tại Hà Nội, nhằm thông tin về các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, hội thảo có 60 tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia uy tín; lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... xoay quanh 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam: Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đại diện đơn vị được phân công thực hiện hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng hội thảo lần này sẽ không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào 80 năm về trước mà chính là một sự tiếp nối những giá trị mà Đề cương về văn hóa năm 1943 đã thiết lập trong dòng chảy phát triển văn hóa của đất nước.
[Đề cương về văn hóa 1943: 'Cởi mở xiềng xích, giải phóng dân tộc']
Hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng sẽ làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, đất nước đã có những phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội nhưng có những thời điểm ở đâu đó văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân.
“Vì vậy, hội thảo sẽ bàn đến việc vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa, làm thế nào để văn hóa Việt Nam thật sự phát triển mạnh mẽ, phát huy được những thế mạnh một cách khoa học, thể hiện được các giá trị bản sắc của Việt Nam nhưng đồng thời gắn phát triển văn hóa vào xu thế đổi mới, hội nhập của chúng ta đặc biệt trong bối cảnh 4.0 như hiện nay,” bà Phương chia sẻ.
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kỳ vọng rằng kết quả của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng như Hội nghị liên quan đến các vấn đề thể chế, nguồn lực văn hóa năm 2022 hay tiếp theo đây là Hội thảo quốc gia kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" sẽ tạo xung lực để góp phần phát triển văn hóa trở thành sức mạnh của Việt Nam, để công nghiệp văn hóa trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra những hệ giá trị, tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước.
Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ( Hà Nội) dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sẽ tường thuật trực tiếp phiên khai mạc hội thảo. Báo điện tử Tổ quốc sẽ phát trực tiếp toàn bộ chương trình./.