Hội té nước - nét văn hóa đậm chất nhân văn của người Lào

Phong tục té nước nhằm gột rửa mọi suy nghĩ xấu xa, gột rửa bệnh tật và những điều không may mắn trong năm cũ, đồng thời là lời chúc một Năm mới với tâm hồn trong sáng luôn may mắn và hạnh phúc.
Trẻ nhỏ lấy nước tắm Phật xoa lên đầu người lớn để cầu chúc gặp nhiều may mắn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Từ ngày 14/4, người dân trên khắp cả nước Lào bắt đầu tưng bừng tổ chức và tham gia các hoạt động đón Tết cổ truyền Bun Pi Mày.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, sáng 14/4, sự tĩnh lặng và thanh bình là khung cảnh tại các tuyến phố vốn thường ngày rất nhộn nhịp, vì người dân đang thực hiện các nghi lễ đầu tiên của Bun Pi Mày tại gia đình, đó là tắm tượng Phật và làm lễ cầu phúc cho ông bà, bố mẹ để tỏ lòng thành kính đối với người có công sinh thành, dưỡng dục.

Nghi lễ tắm tượng Phật tại gia đình sẽ do tất cả mọi thành viên trong gia đình thực hiện và nước dùng để tắm tượng Phật được thả đầy những cánh hoa dokkhun vàng óng, loài hoa được xem là hoa đào của Lào vì chỉ nở trong dịp Tết Lào, và hoa dhampa (hoa dại), tạo nên một mùi thơm phảng phất.

Các thành viên trong gia đình cũng dùng những “chậu nước hoa” thơm thoang thoảng này để té nước vào nhau.

Kết thúc các hoạt động đầu tiên của Bun Pi Mày tại gia đình, buổi chiều, người dân sẽ đến chùa để thực hiện nghi lễ tắm Phật ở chùa và buộc chỉ cổ tay cầu phúc.

[Hình ảnh người dân Lào tưng bừng đón Tết cổ truyền Bun Pi Mày]

Theo tín ngưỡng của người Lào, dịp Bun Pi Mày, người dân sẽ thành tâm thực hiện nghi lễ tắm Phật ở 9 chùa để tỏ lòng thành kính và tin rằng Đức Phật sẽ phù hộ, giúp mang lại nhiều may mắn trong cuộc sống cho tất cả mọi người.

Đối với Phật thì gọi là “tắm Phật” (Sổng-phạ), còn đối với người thường thì gọi là “té nước.” Hội té nước là nét văn hóa mang đậm tính nhân văn trong dịp Bun Pi Mày của người Lào.

Té nước với tâm nguyện giúp gột rửa mọi suy nghĩ xấu xa, gột rửa bệnh tật và gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ, đồng thời là lời chúc một Năm mới với tâm hồn trong sáng sẽ luôn may mắn và luôn hạnh phúc trong cuộc sống.

Ngoài ra, nước cũng có nghĩa mang lại cuộc sống tốt tươi cho vạn vật.

Điều đặc biệt là dù quen biết hay không quen biết và không kể địa vị trong xã hội, cứ gặp nhau là té nước, người té nước và người được té nước đều vui vẻ. Vì vậy, té nước còn giúp tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, xóa tan sự hằn thù, ghen ghét, đố kỵ.

Một hoạt động thuộc chuỗi các hoạt động của Bun Pi Mày là rước Nang Sangkhan, một nghi lễ tâm linh, nét văn hóa mang tính truyền thuyết của Lào, tôn vinh sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Tuy nhiên, năm nay nghi lễ này không tổ chức ở thủ đô Vientiane mà được tổ chức ở cố đô Luangphrabang nhằm thu hút khách du lịch.

Do thủ đô Vientiane không tổ chức nghi lễ rước Nang Sangkhan nên lượng du khách đến chùa cũng ít hơn mọi năm và Hội té nước diễn ra sớm hơn thường lệ.

Những chiếc xe bán tải chở cả nước và người, với những bộ quần áo sặc sỡ sắc màu, vừa di chuyển trên đường vừa té nước.

Hai bên đường, những đám đông nhảy múa, reo hò bên những chậu nước và với những dụng cụ té nước, để té nước vào tất cả những ai đi ngang qua một cách rất thoải mái và vui vẻ.

Ai cũng ướt nhưng trong lòng lại cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc, vì mọi điều xấu xa, mọi thứ bệnh tật và mọi điều không may mắn đều đã được gột rửa, nhường chỗ cho may mắn và hạnh phúc sẽ đến trong năm mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục