Hội Phết Hiền Quan: Tri ân công lao của nữ tướng thời Hai Bà Trưng
Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) năm nay không có màn tranh phết khiến không khí lễ hội kém sôi động. Các nghi lễ truyền thống như tế lễ, rước kiệu, duyệt binh... vẫn được tiến hành.
Minh Thu
Chiều 12 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 1/2/2023), Hội Phết Hiền Quan 2023 đã khai màn với việc tổ chức trang trọng các nghi lễ truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và du khách thập phương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hội Phết Hiền Quan được tổ chức trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm tại xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Lễ hội nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng có công chiêu mộ binh sỹ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Thắng trận, đất nước thái bình, bà xin về làng Song Quan (nay là xã Hiền Quan), tu hành tại chùa Phúc Khánh và dạy nhân dân cày cấy.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hội Phết Hiền Quan được duy trì hơn ngàn năm qua, kể cả những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Lễ hội nhằm tôn vinh, thể hiện tinh thần thượng võ, tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Thiều Hoa cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân của bà, qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống bất khuất của dân tộc trong công cuộc dựng nước, giữ nước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tương truyền, để rèn luyện quân sỹ, bà nghĩ ra việc đẽo gốc tre thành hình tròn (quả to gọi là Phết, nhỏ hơn gọi là quả Chúi) chia quân để đánh Phết - nghĩa là hai bên tìm cách đưa được quả Phết ra khỏi phạm vi quy định. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lễ “Khẩn tấu” do ông Tiên Chỉ đọc mong cuộc sống an bình cho mọi người, sau đó là lễ dâng xôi gà, bánh chưng, bánh dày lên các bậc thánh hiền. Sau ba tuần rượu tế là đến lễ kéo quân.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lễ rước kiệu được tiến hành từ 12h30 ngày 12 tháng Giêng. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả Phết được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mùng 10/10 Âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sỹ hộ tống. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lễ kéo quân được chia thành hai đoàn, mỗi đoàn có nhiều người tham gia. Đi đầu mỗi đoàn là ông trưởng lão râu tóc bạc phơ, mình mặc áo vàng, đầu chít khăn đỏ, tay cầm cờ nheo miệng hô vang, biểu thị sự oai phong của đoàn quân. Tiếp đó là đội trống cái, trống con gõ theo nhịp phách. Đoàn binh sỹ nam có, nữ có mình mặc áo vàng, tay cầm long đao cờ suý. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lễ kéo quân được diễn đi diễn lại ba vòng rồi lại tề tựu giữa sân đền cùng hò reo vui mừng chiến thắng. Lễ kéo quân kết thúc cũng là lúc bắt đầu lễ ném Phết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Sau lễ rước kiệu và kéo quân là phần tế lễ. Tham gia tế lễ là ông Tiên Chỉ và các bậc lão trong làng. Người đọc văn tế là ông bàn thượng, nội dung các bản văn tế được viết trong các sắc phong. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đây là những giá trị tinh thần của một vùng đất cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là một trong những điểm đến nằm trong tua du lịch về nguồn của ba tỉnh Phú Thọ-Lào Cai-Yên Bái, ôn lại truyền thống đấu tranh giữ nước, dựng nước của dân tộc và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phần đông vui, hấp dẫn nhất hội là đánh phết không được tổ chức nhằm đảm bảo an toàn nhưng lễ hội vẫn diễn ra với các nghi lễ truyền thống.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Để phát huy giá trị truyền thống, tinh thần thượng võ, Ban tổ chức và cấp có thẩm quyền cần phải nghiêm túc bàn bạc, có phương án tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách chấp hành tốt các quy định; tổ chức lễ hội thật chặt chẽ, bảo đảm ngăn ngừa hành vi phản cảm đồng thời phát huy, lan tỏa giá trị độc đáo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các cụ cao niên chuẩn bị mâm lễ vật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các cụ trong Ban hành lễ thắp hương trong đình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nghi lễ tế tại Đền Hiền Quan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phiên chợ hội Hiền vắng vẻ vì thiếu màn đánh phết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Người dân đến dự hội ít hơn nhiều so với những năm tổ chức tranh phết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Người dân dự hội có thể hái câu đối rồi nhờ các cụ cao niên giảng giải để xem vận may trong năm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Người dân dự hội với tinh thần tri ân tiền nhân, tôn trọng văn hóa truyền thống của địa phương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)