Ngày 1/4, tại Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Hội nhập tư pháp để thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam nhấn mạnh Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa chính thức được thành lập với mong muốn xây dựng một Cộng đồng ASEAN hoạt động trên các nguyên tắc chung vì lợi ích của người dân, người dân được thụ hưởng những thành quả từ việc hội nhập khu vực ASEAN.
Sự hợp tác của Tòa án Việt Nam các nước ASEAN là một kênh hợp tác đa phương, hữu hiệu để hiện thực hóa các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN và của Tòa án các nước ASEAN nói riêng.
Hiện nay, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác về pháp luật và tư pháp là một nội dung hợp tác không thể tách rời với các nội dung hợp tác khác trên mọi lĩnh vực.
Cùng với cơ hội từ hội nhập, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, trong đó có vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp.
Các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại quốc tế sẽ gia tăng đáng kể. Các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm truyền thống và phi truyền thống có điều kiện phát triển và phức tạp hơn.
Ông Trương Hòa Bình cho biết, được sự thống nhất của Chánh án các nước ASEAN, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đưa ra 6 chủ đề trao đổi tại hội nghị gồm thể chế hóa hội nghị Chánh án ASEAN, hội nhập ASEAN, xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, đào tạo tư pháp, quản lý vụ án và công nghệ tại tòa án, giải quyết tranh chấp gia đình xuyên biên giới.
Chánh án các nước ASEAN thống nhất đặt ưu tiên hàng đầu trong Hội nghị lần thứ 4 cho chủ đề "Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN" nhằm đưa cơ chế hợp tác trong ASEAN thực sự hiệu quả. Và xa hơn nữa là đưa hội nghị Chánh án ASEAN ngang tầm với Hội nghị của người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp của các nước trong khu vực.
Chủ đề “Hội nhập ASEAN” được ưu tiên thứ hai để chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp, cùng tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực, hài hòa hóa pháp luật và thực tiễn tư pháp của các nước cho phù hợp với các chuẩn mực chung đó.
Đây là những nội dung then chốt của Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 và được Tòa án các nước ASEAN đặc biệt quan tâm.
Thông qua hội nghị, Chánh án các nước ASEAN sẽ trao đổi kinh nghiệm, hướng tới lợi ích cụ thể, thiết thực cho nền tư pháp khu vực, đề xuất những giải pháp cho các vấn đề tư pháp trong khu vực.
Bảo vệ trẻ em khi xảy ra tranh chấp gia đình xuyên biên giới
Là chủ đề mới được đưa vào thảo luận tại Hội nghị lần này, chủ đề “Tranh chấp gia đình xuyên biên giới” nhận được sự quan tâm của đại biểu các nước.
Theo đại diện Tòa án tối cao Singapore, những cải thiện trong chính sách về đi lại, nhập cư giữa các nước và quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến việc gia tăng số lượng các cuộc hôn nhân giữa công dân các quốc gia khác nhau trong ASEAN.
Khi các cuộc hôn nhân này đổ vỡ, con cái của họ có thể bị bắt buộc rời bỏ đất nước nơi đứa trẻ được sinh ra hoặc bị tước đi quyền tiếp cận với một bên cha hoặc mẹ trong một thời gian dài. Điều này ảnh hưởng xấu đến lợi ích tổng thể của đứa trẻ đó.
Đại diện Tòa án tối cao Singapore cho rằng, để giải quyết các vấn đề này trước mắt cần hình thành một mạng lưới thông tin giữa các Thẩm phán ASEAN trên cơ sở là một Ủy ban về Tranh chấp trẻ em xuyên quốc gia.
Mạng lưới này có thể là một nguồn cung cấp thông tin không chính thức về các vấn đề liên quan đến trẻ em và chia sẻ trong lĩnh vực đào tạo tư pháp. Với việc xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN đang được thực hiện, đại diện Tòa án Singapore nhấn mạnh sẽ rất lý lưởng nếu mạng lưới trao đổi thông tin về tranh chấp gia đình xuyên quốc gia sẽ được đưa vào nội dung của cổng thông tin điện tử.
Bên cạnh việc xây dựng một mạng lưới trao đổi thông tin, đại diện Tòa án tối cao Singapore cũng đề xuất hình thành một mạng lưới hòa giải. Trong bối cảnh chưa có một khung pháp lý có khả năng áp dụng trên bình diện thế giới hay khu vực, Tòa án các nước ASEAN có thể nghiên cứu áp dụng phương pháp cùng hòa giải.
Phương thức này có thể được thực hiện bởi tòa án như một phần trong quy trình tố tụng. Theo đại diện Tòa án tối cao Singapore, Tòa án các nước ASEAN có thể thiết lập một bộ quy tắc chung cho phương thức cùng hòa giải, chỉ định đầu mối liên lạc ở tòa án mỗi nước.
Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã ra Quyết định thành lập các Tòa gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố.
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Việc này cho thấy những hành động cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em khi có xảy ra tranh chấp gia đình, đúng với tinh thần của thế giới và khu vực ASEAN.
Hội nghị Chánh án các nước ASEAN là hội nghị thường niên do Tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức năm 2013 tại Singapore; lần thứ hai năm 2014 tại Malaysia; lần thứ ba tại Philippines.
Cho đến nay, Hội nghị Chánh án ASEAN đã phê chuẩn và đang thực hiện 3 hoạt động gồm: xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, xây dựng cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự giữa các nước ASEAN và đào tạo tư pháp./.