"Hội nhập sâu nhưng doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu thị trường"

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn ngồi để chờ đợi các đơn hàng từ bên ngoài và điều đó có thể làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh khi hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đang phát biểu ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dù ​đánh giá cao lợi ích các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa đàm phán hoặc ký kết với các thị trường lớn nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thị trường để thâm nhập vào hệ thống phân phối của các nước.

Tại hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Cơ hội cho doanh nghiệp," do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ Thương mại và đầu tư châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng nay 31/5, tại Hà Nội, ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp vẫn chờ đợi các đơn hàng từ bên ngoài và điều đó có thể làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh.

Do vậy, muốn nâng cao vị thế và tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần phải trực tiếp đi tìm hiểu thị trường và lắng nghe những phản hồi của đối tác, qua đó có thể cải tiến sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường.

Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh.

"Ở nhiều thị trường châu Á có thể thấy các phân khúc khác nhau, nhưng tại châu Âu thì khá đồng nhất và muốn thâm nhập thành công thì các doanh nghiệp không còn cách nào khác là sản phẩm phải đạt chất lượng," thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2015 đạt 41,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD. Trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì EU được coi là một trong những đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại.

Tuy nhiên, theo điều tra của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có gần 30% doanh nghiệp tư nhân chưa có kế hoạch tăng cường kinh doanh với đối tác EU, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với các kế hoạch cải cách nhằm đề ra các chiến lược kinh doanh dài hạn.

"Nhà nước cần tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp thấy được việc cải cách cũng như đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do," Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Về phía liên minh châu Âu, các chuyên gia cho biết sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận và mở rộng các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Cụ thể theo ông Mauro Petriccione, Phó Tổng Vụ trưởng, Tổng vụ Thương mại, Ủy ban châu Âu, hai bên đã có quá trình đàm phán khó khăn để tìm ra một công thức đúng đắn hướng tới các thỏa thuận chi tiết qua đó ​có thể thực hiện những cam kết mở cửa tốt cho hàng hóa của hai nước ​đồng thời khuyến khích c​ộng đồng doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ lẫn nhau.

"​Với hiệp định vừa ký kết, liên minh châu Âu sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp của cả hai phía Việt Nam và EU," đại diện Tổng vụ Thương mại Ủy ban châu Âu ​nêu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục