Hội nhập quốc tế - một số vấn đề với Việt Nam từ 2015

Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra với Việt Nam từ 2015

Tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015” với sự tham gia của 14 tỉnh khu vực phía Bắc.
Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra với Việt Nam từ 2015 ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Ngày 1/7, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015” với sự tham gia của 14 tỉnh khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chủ trì buổi tọa đàm.

Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi một số nội dung xoay quanh chủ đề chính như: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới - những vấn đề đối với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam; Cộng đồng ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức đối với các tỉnh, thành phố; Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Việt Nam; Thách thức đối với cải cách và doanh nghiệp tại các địa phương vùng Bắc Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015...

Về “Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đến nay.

Trên cơ sở kế thừa và tiếp nối đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, Đại hội XI tiếp tục khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đã chuyển mình với gần 30 năm đổi mới, đất nước có bước phát triển ý nghĩa, xã hội cởi mở hơn, song vẫn còn những khó khăn, thách thức phía trước, nhất là khi Việt Nam đang rất cần những nỗ lực cải cách đột phá, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm thay đổi cách thức phát triển với mục tiêu hiệu quả, sáng tạo và bền vững.

Các đại biểu đều cho rằng, các địa phương cần có sự định hướng đúng đắn trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm nâng cao sức mạnh hội nhập trong hoàn cảnh mới và doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt nội dung tiến trình hội nhập quốc tế để xác định được lợi thế của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường quốc tế toàn cầu.

Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao đã trao tặng 100 triệu đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Thái Nguyên, nhằm góp phần trợ giúp những nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục