Hội nhập ở các tỉnh biên giới: Cần ưu tiên đào tạo những học sinh có trình độ

Nhấn mạnh hội nhập quốc tế ở các tỉnh biên giới là cấp thiết, đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét tới việc sử dụng vốn ngân sách để cử học sinh dân tộc thiểu số xuất sắc ra nước ngoài học tập.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cho rằng hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn hạn chế, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất Nhà nước cần xem xét tới việc sử dụng vốn ngân sách để cử học sinh dân tộc thiểu số xuất sắc sang học các nước có biên giới với các tỉnh, bởi hội nhập quốc tế ở các tỉnh biên giới trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết.

Cần tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 17/6, đợt 2 của Kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) nhấn mạnh công tác giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên, người lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và hiện nay đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách về đào tạo.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã tác động tích cực tới đời sống của nhân dân, đồng bào các dân tộc ở vùng cao biên giới.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng thừa nhận thực tiễn triển khai thực hiện chương trình mục tiêu trên vẫn còn một số vướng mắc.

Đơn cử, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, ngân sách địa phương còn khó khăn. Hầu hết các cơ sở giáo dục này đều nhận nguồn lực từ trung ương nên nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế.

“Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn là đối tượng thực hiện tiểu dự án 3 của dự án 5 thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên chỉ vì địa điểm của các cơ sở đào tạo này không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên cũng không thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách của chương trình,” đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho biết các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và công lập của các huyện miền núi đã được sáp nhập và đổi tên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39 năm 2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Nội vụ.

Tại Quyết định số 73 ngày 10/2/2023 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 cũng nêu cụ thể mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

"Tuy nhiên chỉ vì tên gọi chưa đúng nên không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình được quy định tại Quyết định 1719,” đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nói.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trước thực tế trên, đại biểu biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Chính phủ điều chỉnh đối tượng thực hiện chương trình theo chức năng, không bắt buộc theo đúng tên gọi. Việc giải quyết vướng mắc do địa điểm, tên gọi, đối tượng thực hiện của chương trình như trên sẽ tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ của chương trình mà không làm phát sinh nhu cầu vốn của chương trình.

Chú trọng đến việc đào tạo nhân tài

Cùng quan tâm tới vấn đề đào tạo cho học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nhấn mạnh Kết luận 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới đã khẳng định nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú là hết sức cần thiết.

“Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tộc thiểu số học ở hệ thống các trường chuyên trên toàn quốc và ở các trường đại học hiện rất ít, rất thấp. Nếu không có những trường riêng thì chắc chắn là khó nâng cao chất lượng,” đại biểu Trương Xuân Cừ băn khoăn.

Trước thực tế trên, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú phải là hệ chuyên cấp 3 đối với các học sinh dân tộc thiểu số; trong đó các em học sinh là những trường hợp có năng khiếu về ngoại ngữ, văn học nghệ thuật, các môn chuyên để đào tạo bài bản.

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng cần có một hệ thống giáo dục là trường chuyên học sinh nội trú từ xã, từ các cụm trường trở lên để lựa chọn được những học sinh có tố chất, có năng khiếu, trình độ.

“Tôi luôn luôn suy nghĩ nếu cả nước hội nhập quốc tế thì đồng bào dân tộc thiểu số cố gắng hội nhập quốc gia sẽ rất tốt. Và điều quan trọng để hội nhập là phải bắt đầu từ giáo dục,” đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng trong đầu tư, những em học sinh có năng khiếu thật sự, bằng ngân sách có thể hợp đồng đào tạo với các trường đại học. Ví dụ các trường chuyên của Đại học Quốc gia, trường chuyên của Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và tất cả các trường chuyên khác.

“Chúng ta lâu nay vẫn có cử tuyển, vẫn có những hình thức khác bằng ngân sách đi học. Hiện tại, theo tôi chú trọng đến nhân tài người dân tộc thiểu số mới hội nhập được,” đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ.

Với quan điểm đó, đại biểu Trương Xuân Cừ đề xuất thời gian tới cần nghiên cứu về chính sách hội nhập quốc tế ở các tỉnh biên giới.

“Chúng tôi mong Nhà nước sẽ dành nguồn ngân sách đầu tư chính đáng để đào tạo những người dân tộc có năng khiếu, có tố chất để chúng ta có cơ hội để hội nhập quốc gia,” đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Dẫn chứng từ thực tế, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết năm 2007, chính đại biểu đã tham mưu cho địa phương cử 10 em học sinh giỏi dân tộc sang Trung Quốc học bằng nguồn ngân sách và bây giờ phát huy hiệu quả rất tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục