Hội Nhà báo Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

Nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo lão thành góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ngày 26/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hội nghị đã có nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo lão thành đóng góp vào Dự thảo.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; ban hành kế hoạch và triển khai lấy ý kiến ở các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Sau gần 3 tháng triển khai, đã có hơn 410 ý kiến trực tiếp góp ý vào các chương, điều, khoản cụ thể của Dự thảo.

Tổng hợp các ý kiến cho thấy các cấp Hội và hội viên cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo; cho rằng việc sửa đổi là phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đa phần các ý kiến nhất trí với 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến cho rằng dự thảo có tính dự báo và ổn định lâu dài, được kết cấu chặt chẽ, khoa học, ngắn gọn và cụ thể. Bản dự thảo đã thể hiện được ý chí vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và đảm bảo quyền con người, thể hiện rõ tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Liên quan đến nội dung quyền công dân trong việc tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, các ý kiến nhấn mạnh hiện nay chưa có Luật Biểu tình, chưa có báo chí tư nhân, do đó cần quy định cụ thể hơn để nội dung Điều 26 được thể hiện trên thực tế mà không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc và không để lạm dụng quyền tự do báo chí.”Theo đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung thêm nội dung “quyền tiếp cận thông tin” vào Điều 26 này để quy định được rõ ràng, đầy đủ.

Cụ thể hơn, nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, báo chí thật sự là bộ phận cấu thành của xã hội Việt Nam thời hội nhập và phát triển, đáp ứng quyền thông tin đa dạng, nhiều chiều của mọi người; là vũ khí quyết liệt đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị, tư tưởng, là tiếng nói của Đảng, diễn đàn của người dân. Bởi vậy, từ khi thành lập nước, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến báo chí, tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển. Trên tinh thần đó, ông Uyển mong rằng Hiến pháp mới nên có một khoản mục riêng về báo chí để xứng với vị trí, vai trò vốn có của ngành thông tin đặc thù này.

Bên cạnh quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân, các nội dung quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc... trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng được nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung, sửa đổi.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực của các đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng các ý kiến đã làm rõ thêm một số điều, khoản, đặc biệt là kiến nghị về quyền của báo chí, quyền tự do ngôn luận...

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh Trường trực Hội, Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo của giới báo chí cả nước gửi lên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong thời gian sớm nhất./.

Mỹ Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục