Hội nhà báo: Nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụ

Theo ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khi phóng viên thừa hành một nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao, thì phóng viên phải được coi là thi hành công vụ chứ không thể hiểu khác, bởi cơ quan báo chí là của Đảng, của Nhà nước và đoàn thể chính trị xã hội.

Hơn nữa, nếu phóng viên đi thực hiện những cuộc điều tra, tham gia vào quá trình đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu… thì đây là nhiệm vụ mà luật pháp thừa nhận. Hiển nhiên, phóng viên đi thực hiện nhiệm vụ ấy chính là thực hiện công vụ.

Trước tình trạng các phóng viên khi tác nghiệp bị hành hung, trả thù, đe dọa đến tính mạng mà điển hình gần đây nhất là vụ việc phóng viên Trần Thế Dũng (báo Người Lao động) bị hành hung khi tác nghiệp tại Lạng Sơn gây bức xúc dư luận, Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.


Việc răn đe của pháp luật không đủ mạnh

- Thời gian qua, công luận liên tục chứng kiến nhiều vụ phóng viên bị trả thù, hành hung dã man. So với những năm trước, việc này diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quốc Trung: Thời gian gần đây, việc các phóng viên đang tác nghiệp bị cản trở, hành hung xảy ra khá nhiều và xảy ra ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam, thậm chí ở ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội. Hai năm trở lại đây, hiện tượng này càng có chiều hướng gia tăng đáng kể.

Có những vụ hành hung trắng trợn như vụ phóng viên báo Người Lao động bị đánh ở Lạng Sơn,  hay những vụ trả thù có tính toán như việc phóng viên báo Khánh Hòa bị tấn công ngay trước cửa trụ sở của mình, phóng viên báo Tiền Phong tại bị đánh tại Hà Tĩnh…

- Khi nhận được thông tin hội viên của mình bị hành hung, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những hành động gì?

Ông Lê Quốc Trung: Chúng tôi nhận được các nguồn tin từ nhiều con đường khác nhau. Có trường hợp các tòa soạn báo hoặc bản thân các phóng viên bị hành hung  có văn bản gửi lên và cũng có trường hợp nhận thông tin được đăng tải trên báo…

Cho dù đến từ nguồn nào thì Hội Nhà báo Việt Nam đều cử người đến hoặc phối hợp với Hội Nhà báo tại các địa phương để tìm hiểu nguồn cơn. Sau khi nắm được tình hình, chúng tôi có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, đề nghị giải quyết theo trình tự pháp luật.

- Hội có hài lòng với những giải quyết của cơ quan chức năng ở các địa phương không, thưa ông?

Ông Lê Quốc Trung: Hầu hết các cơ quan ở địa phương đã quan tâm xử lý việc các nhà báo bị tấn công nhưng mức xử lý đưa ra nhiều khi quá nhẹ. Ngoài ra, không loại trừ có một số địa phương mặc dù có thông báo với chúng tôi là đã cho điều tra, làm rõ nhưng sau đó lại không xử lý đến nơi đến chốn.

Có những vụ việc, cho việc đến nay Hội vẫn chưa nhận được hồi âm về kết quả điều tra, xử lý như vụ phóng viên Nguyễn Xuân của báo Khánh Hòa bị đánh [6/8/2008-pv]. Hình như đến nay cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Gần đây nhất, vụ phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao động bị đánh ngày 6/1 thì ngày 8/1 chúng tôi có công văn gửi Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Công an tỉnh Lạng Sơn đề nghị điều tra, xác minh, xử lý đối tượng tham gia hành hung anh Dũng. Song, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. [Mặc dù ngày 25/3, báo Người Lao động đã nhận được thông báo kết quả điều tra của Cơ quan điều tra Công an huyện Cao Lộc – pv].

Khi không hài lòng với cách giải quyết của địa phương, Hội Nhà báo sẽ làm gì?

Ông Lê Quốc Trung: Chúng tôi không phải là cơ quan có thẩm quyền xét xử. Ở góc độ của mình, chúng tôi chỉ có quyền nêu vấn đề, phản ánh vấn đề thúc đẩy điều tra mà thôi.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc gia tăng hành động tấn công các phóng viên?

Ông Lê Quốc Trung: Có nhiều nguyên nhân. Song, một nguyên nhân tôi cho là khá cơ bản là mặc dù phần lớn được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng mức độ xử lý còn rất thấp, không đủ sức răn đe. Bởi thế, người ta coi thường các hình thức xử lý ấy.

Phóng viên tác nghiệp: Phải coi là thi hành công vụ

- Có ý kiến cho rằng, khi công an đi làm việc, nếu đối tượng có biểu hiện chống đối sẽ bị khép vào tội chống người thi hành công vụ. Vậy ở đây, các phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp có được xem là chống người thi hành công vụ không, thưa ông?


Ông Lê Quốc Trung: Không hiểu trong quy định của pháp luật, xác định công vụ là thế nào, còn chúng tôi cho rằng khi phóng viên thừa hành một nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao, thì phóng viên phải được coi là thi hành công vụ chứ không thể hiểu khác được. Bởi vì cơ quan báo chí của chúng ta là của Đảng, của Nhà nước và đoàn thể chính trị xã hội.

Hơn nữa, nếu phóng viên đi thực hiện những cuộc điều tra, tham gia vào quá trình đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu… thì đây là nhiệm vụ mà luật pháp thừa nhận. Hiển nhiên, phóng viên đi thực hiện nhiệm vụ ấy chính là thực hiện công vụ.

Tuy nhiên, trong luật, việc coi là công vụ hay không công vụ đối với hoạt động báo chí đến nay còn chưa rõ ràng.

- Như vậy, các phóng viên sẽ bị thiệt thòi rất nhiều khi tác nghiệp chẳng may bị hành hung?

Ông Lê Quốc Trung: Tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta công nhận khi nhà báo đi tham gia đấu tranh chống buôn lậu là thực hiện công vụ, thì ở trường hợp phóng viên của báo Người Lao động, đối tượng đánh anh Dũng sẽ bị xử khác. Nếu phía công an không coi anh Dũng đi thực hiện công vụ thì cách giải quyết sẽ khác...

Ngoài ra, tôi cũng đồng tình với nhiều cơ quan báo chí cho rằng mức độ thương tích của anh Dũng mới chỉ 2% không đủ điều kiện khởi tố vụ án là không thỏa đáng. Cứ cho mức thương tích chỉ là 2% nhưng nếu là vụ việc tổ chức tấn công trả thù thì khác hành động xô xát, gây thương tích bình thường.

- Để bảo vệ quyền lợi của hội viên trước vấn đề ngày một “nóng” này, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có động thái gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Quốc Trung: Chúng tôi chưa có dịp nào chính thức kiến nghị với các cơ quan Nhà nước phải coi nhà báo đi tác nghiệp là người thi hành công vụ. Song, qua những vụ việc trên, chắc chắn hội cần tính đến chuyện này và có những kiến nghị giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào trong các văn bản pháp luật.

Hiện, trong Luật Báo chí cũng nói, nhà báo được pháp luật bảo vệ, nhưng bảo vệ như thế nào và đến đâu thì có lẽ cần phải làm rõ hơn.

- Thực tế, những vụ hành hung phóng viên trong thời gian qua đã làm không ít phóng viên trẻ nhụt chí. Ông có lời khuyên gì với họ khi tác nghiệp ở những điểm nóng?

Ông Lê Quốc Trung: Nghề báo là nghề nguy hiểm và chúng ta không nên nhụt chí trước hành động của những kẻ côn đồ. Chúng ta phải nhớ rằng, lúc nào cũng có những kẻ luôn bất chấp luật pháp để từ đó có những biện pháp để tự bảo vệ mình.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí khi cử phóng viên vào những điểm nóng cần phải báo trước để họ có sự chuẩn bị. Hoặc, nên cử một nhóm phóng viên đi cùng để bảo đảm an toàn bởi tuy các vụ hành hung nói trên chưa xảy ra án mạng, nhưng cũng không có nghĩa là không xảy ra.

Xin cảm ơn ông./.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục