Hội Nhà báo đề nghị làm rõ vụ 3 phóng viên bị hành hung

Hội Nhà Báo Việt Nam vừa có Công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo điều tra, xem xét khách quan, làm rõ sai phạm của các đối tượng liên quan trong vụ hành hung 3 nhà báo.

Hội Nhà Báo Việt Nam vừa có Công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo cho Công an tỉnh Long An, Công an huyện Thạnh Hóa điều tra, xem xét khách quan, làm rõ sai phạm của các đối tượng liên quan trong vụ hành hung 3 nhà báo vào ngày 27/9 tại huyện Thạnh Hóa (Long An).

Công văn do ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ký.

Với trọng trách bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên, hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và thông tin cho Hội Nhà báo Việt Nam biết kết quả xử lý.

3 phóng viên bị cản trở, hành hung trong khi tác nghiệp tại địa bàn huyện Thạnh Hóa đã có đơn khiếu nại gửi Hội Nhà báo tỉnh Long An.

Hội nhà báo tỉnh cũng đã có Công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Long An, Công an huyện Thạnh Hoá yêu cầu xử lý các đối tượng hành hung các phóng viên.

Trước đó, ngày 27/9/2017, các phóng viên Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân (Đài Phát thanh- Truyền hình Long An) và Nguyễn Thị Mận (Báo Long An) đi xe ô tô của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Long An đến khu vực phía ngoài Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, thuộc ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa để tác nghiệp theo phản ánh của người dân về việc Nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường.

[Cần làm rõ, xử lý nghiêm vụ hành hung nhà báo tác nghiệp tại Long An]

Tại đây, Đỗ Văn Tiến (sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Phạm Văn Dũng (sinh năm 1956, ngụ huyện Thạnh Hóa), là người làm thuê cho nhà máy đã dùng tay đánh phóng viên Phạm Đức Cảnh và yêu cầu đưa máy quay phim để lấy thẻ nhớ, xóa hình đã quay.

Phóng viên không đưa máy quay nên bị Dũng giằng co và ngã, sau đó buộc phải đưa thẻ nhớ cho hai đối tượng này. Sau đó Dũng và Tiến quay sang hù dọa hai nữ phóng viên Cao Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Mận để yêu cầu kiểm tra điện thoại.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các phóng viên đã trình báo tại Ủy ban Nhân dân xã Tận Đông. Sau khi tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Đơn vị này cho rằng, các phóng viên khi đi tác nghiệp đã không đảm bảo yếu tố "đang thi hành công vụ" vì các phóng viên đi tác nghiệp không có kế hoạch cụ thể bằng văn bản, không có giấy giới thiệu.

Cả ba không xuất trình giấy tờ, không giới thiệu là phóng viên và khi tác nghiệp, các phóng viên mặc trang phục không có logo của Báo Long An và Đài Phát thanh- Truyền hình Long An.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Long An, phóng viên Cảnh và Ngân tác nghiệp theo kế hoạch tháng và có văn bản duyệt của Trưởng ban, có lệnh điều xe đi của Đài.

Các phóng viên tác nghiệp ở khu vực ngoài nhà máy nên không cần thiết xuất trình giấy tờ với đối tượng lạ; Luật Báo chí cũng không buộc các phóng viên khi đi tác nghiệp phải mặc trang phục có logo của báo, đài.

Bên cạnh đó, hành vi tấn công người khác dù sao cũng là vi phạm pháp luật và buộc phải xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục