Ngày 11/8, Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 15 (ANCM-15) theo hình thức trực tuyến đã diễn ra dưới sự chủ trì của Đề đốc Dato Seri Pahlawan Spry bin Haji Serudi @ Haji Seruji, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Brunei.
Dự Hội nghị có các Tư lệnh/Trưởng đoàn Hải quân các nước ASEAN, Quân đội nhân dân Lào. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, làm Trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc, Đề đốc Dato Seri Pahlawan Spry chào mừng các Tư lệnh/Trưởng đoàn Hải quân các nước ASEAN, Quân đội nhân dân Lào tham dự Hội nghị, nhấn mạnh đây là lần thứ hai ANCM được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Brunei bày tỏ sự đánh giá cao đối với Hải quân nhân dân Việt Nam vì đã nỗ lực duy trì động lực của ANCM khi đảm nhiệm vai trò chủ nhà ANCM trong năm 2020 trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra; đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới Hải quân Indonesia về vụ tai nạn tàu ngầm vừa qua.
Kể từ khi ra đời vào năm 2001, ANCM luôn duy trì mục đích là một diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa Hải quân các nước ASEAN, trong đó nổi bật nhất là tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy duy trì môi trường biển hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.
[ADMM+ tạo động lực hợp tác mạnh mẽ, thực chất về quốc phòng, an ninh]
Trên tinh thần đó, Đề đốc Dato Seri Pahlawan Spry bày tỏ hy vọng ANCM-15 sẽ tiếp tục thể hiện cam kết tập thể đối với an ninh hàng hải khu vực.
Kết quả của Hội nghị lần này sẽ là định hướng góp phần giúp Hải quân các nước ASEAN tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo cập nhật tình hình an ninh hàng hải khu vực do đại diện Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh hàng hải (IFC) của Hải quân Singapore trình bày, kết quả Hội nghị Nhóm làm việc Chương trình Trao đổi kinh nghiệm huấn luyện Hải quân các nước ASEAN (ANTEEP) do đại diện Hải quân nhân dân Việt Nam trình bày, đồng thời thảo luận các hoạt động hợp tác của Hải quân các nước ASEAN trong thời gian tới.
Chia sẻ quan điểm về chủ đề "Kinh tế biển xanh: Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng," Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm cho rằng trong bối cảnh thế giới và khu vực đang phải đương đầu với những thách thức chưa từng có bởi đại dịch COVID-19, sự dịch chuyển địa chính trị, suy thoái kinh tế, thiên tai và biến đổi khí hậu, việc quan tâm đến phát triển kinh tế biển xanh nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của tương lai sẽ là một trong những chìa khóa để khắc phục khó khăn, cùng nhau phát triển thịnh vượng, hiện thực hóa mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, phát triển kinh tế biển một cách bền vững vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế biển xanh đang phải đối mặt với những thách thức to lớn xuất phát từ sự gia tăng và thay đổi cấu trúc dân số, quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và gần đây nhất là dịch bệnh.
Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống như cướp biển, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, nhập cư bất hợp pháp, tranh chấp chủ quyền, khai thác hải sản bất hợp pháp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển... có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng của kinh tế biển nói riêng và của toàn khu vực nói chung.
Bối cảnh này đòi hỏi Hải quân các nước ASEAN hơn bao giờ hết cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, tiếp tục thúc đẩy hợp tác về an ninh biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm đề xuất Hải quân các nước ASEAN cần tích cực phối hợp, đóng góp duy trì môi trường biển hòa bình, an ninh, ổn định và thượng tôn pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế tập trung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển; tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để duy trì động lực thúc đẩy hợp tác.
Bên cạnh đó, trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, Hải quân các nước ASEAN có thể chia sẻ thông tin, phổ biến và nhân rộng những cách làm hay, những kinh nghiệm thực tiễn tốt, qua đó đóng góp vào nỗ lực phòng, chống dịch chung của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực./.