Hội nghị Thường niên mùa Thu của IMF và WB: Tiếng gọi từ Marrakech

Hội nghị Thường niên mùa Thu của IMF và WB tại Marrakech, Maroc là “tiếng gọi” thôi thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp cấp bách cho những thách thức mang tính toàn cầu.
Hội nghị Thường niên mùa Thu của IMF và WB được tổ chức tại Marrakech. (Nguồn: Finances)

Năm 1973, tại Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở thủ đô Nairobi (Kenya), Tổng thống nước chủ nhà Jomo Kenyatta khi đó đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tìm ra phương thuốc chữa trị “căn bệnh lạm phát và bất ổn đã gieo rắc đau khổ cho thế giới."

50 năm sau tại “thành phố đỏ” Marrakech của Maroc, những thách thức dai dẳng đó vẫn tiếp tục là bài toán hóc búa, thôi thúc lãnh đạo IMF, WB cũng như các nhà hoạch định chính sách… nỗ lực đi tìm lời giải với hy vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn trong một thế giới dễ bị tổn thương.

Với chủ đề “Hành động toàn cầu, Tác động toàn cầu," Hội nghị Thường niên mùa Thu của IMF và WB tại Marrakech đặt trọng tâm thúc đẩy hành động hướng tới xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả viện trợ.

Việc IMF và WB tổ chức hội nghị thường niên tại một nước châu Phi sau 5 thập niên vắng bóng cũng phản ánh cam kết lâu dài của hai thể chế tài chính này tại Lục địa Đen.

Trong khuôn khổ hội nghị kéo dài 1 tuần, các đại biểu tham dự đã có các cuộc thảo luận chuyên sâu về nhiều chủ đề khác nhau như tạo việc làm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hành động vì khí hậu và các giải pháp thiết thực cho những thách thức toàn cầu đan xen.

Chỉ trong vòng 3 năm qua, thế giới đã chứng kiến một đại dịch toàn cầu, cuộc xung đột ở châu Âu và một cuộc khủng hoảng về lạm phát và chi phí sinh hoạt. Hội nhập kinh tế toàn cầu giúp hàng tỷ người trở nên giàu có hơn, song quá trình này cũng dẫn đến sự phân cực, nghèo đói và đào thêm hố sâu bất bình đẳng. Điều này đặc biệt đúng ở châu Phi - nơi đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ xung đột đến liên tiếp các cuộc đảo chính quân sự, từ tình trạng nghèo đói kinh niên cho đến thiên tai hoành hành do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine lại càng làm nặng thêm “đám mây u ám," làm lu mờ triển vọng về một kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế thế giới. Tất cả tạo nên “một cơn bão hoàn hảo” mà không thể xử lý chúng theo cách riêng lẻ được, như nhận định của Chủ tịch WB Ajay Banga.

Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, nền kinh tế toàn cầu “có khả năng phục hồi tốt nhưng bị thách thức trước tốc độ tăng trưởng yếu và sự phân hóa ngày càng sâu sắc."

[Nỗi lo ngại cuộc xung đột Hamas-Israel phủ bóng lên kinh tế toàn cầu]

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được IMF công bố tại hội nghị đánh giá dù thế giới cho thấy khả năng phục hồi đáng nể nhưng quá trình này lại diễn ra chậm và không đồng đều. Chậm vì tốc độ tăng trưởng 3% hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình của hai thập niên trước đại dịch COVID-19; triển vọng tăng trưởng trung hạn cũng yếu nhất trong nhiều thập niên.

Không đồng đều là bởi những cú sốc gần đây đã để lại những “vết sẹo kinh tế" với tính chất vô cùng khác nhau giữa các quốc gia, trong đó thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong bối cảnh đó, việc IMF đạt được mục tiêu gây quỹ nhằm tăng nguồn vốn cho Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo (PRGT) thêm 3 tỷ USD, cũng như triển vọng về một thỏa thuận tăng hạn ngạch đóng góp cho IMF là bước tiến vô cùng quan trọng và ý nghĩa tại hội nghị lần này.

Tổng Giám đốc Georgieva khẳng định, những khoản đóng góp được hoàn thành tại hội nghị “sẽ cho phép IMF tiếp tục hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp bằng nguồn tài trợ lãi suất bằng 0 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của những quốc gia này."

Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino, Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ-Tài chính IMF, nhấn mạnh một thỏa thuận về tăng hạn ngạch đóng góp vào cuối năm nay là “chìa khóa” giúp đảm bảo IMF có đủ nguồn lực hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, cũng như nâng cao năng lực ứng phó với các cú sốc trong tương lai.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá việc tăng nguồn lực tài chính cho IMF là giải pháp cần song chưa đủ để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng nợ hiện nay tại các nước nghèo và đang phát triển.

Đại biểu dự Hội nghị Thường niên mùa Thu của IMF và WB tại Marrakech. (Nguồn: Reuters)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo hơn 52 quốc gia đang phát triển không có cách nào giảm bớt gánh nặng nợ nần và đang tiến gần đến tình trạng vỡ nợ. Khoảng 3,3 tỷ người đang sống ở những quốc gia mà số tiền chi trả lãi vay cao hơn ngân sách dành cho y tế hay giáo dục. Nhiều nước nghèo đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân.

Do đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và tổ chức Oxfam International kêu gọi giãn nợ cho các nước đang gặp khó khăn kinh tế, để họ có thể dành khoản tiền chuẩn bị trả nợ cho chi tiêu an sinh xã hội và ứng phó các cú sốc kinh tế vĩ mô.

Oxfam còn kêu gọi IMF và WB tạo ra hệ thống công bằng hơn, xóa nợ cho các quốc gia nghèo nhất và áp thuế đối với người giàu, thay vì chỉ tập trung vào những điều kiện tái cơ cấu nợ và “thắt lưng buộc bụng” ở các nước này.

Một kết quả nổi bật nữa tại hội nghị lần này là việc các nước thành viên nhất trí trao cho khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi chiếc ghế thứ ba trong ban điều hành của IMF. Động thái này phản ánh nỗ lực của IMF trong việc thay đổi cơ cấu quản lý để nâng cao tiếng nói và quyền lợi chính đáng của các nền kinh tế nghèo và đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia ở khu vực đang đối mặt với vô vàn khó khăn như Lục địa Đen/

Những vấn đề toàn cầu suốt thời gian qua, từ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 đến những hệ lụy mang tính khủng hoảng của các cuộc xung đột đã phản ánh sự cấp thiết của việc hỗ trợ Lục địa Đen thúc đẩy kinh tế. Điều này sẽ giúp châu Phi nâng cao năng lực tự xử lý các vấn đề của mình, qua đó giúp guồng máy toàn cầu hoạt động hiệu quả.

Đó là lý do vì sao Tổng Giám đốc Georgieva nhấn mạnh rằng: “Một nền kinh tế thế giới thịnh vượng trong thế kỷ 21 đòi hỏi một châu Phi thịnh vượng."

Sự kiện tại Marrakech là 'tiếng gọi' thôi thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp cấp bách cho những thách thức mang tính toàn cầu. (Nguồn: Fadel Senna)

Tại Hội nghị, IMF và WB cũng hối thúc các quốc gia thành viên tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ các nước nghèo hơn chống lại đói nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh tầm nhìn của WB là xóa đói giảm nghèo nhưng “trên một hành tinh có thể sống được," Chủ tịch WB Banga đã nêu bật sự cần thiết phải tìm kiếm giải pháp chung cho “những thách thức đan xen” gồm nghèo đói, đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Ông tin rằng việc huy động ngân sách cho chống biến đổi khí hậu sẽ đến từ 3 trụ cột chính gồm trợ cấp của chính phủ; thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và cuối cùng là sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt ở các nước có thu nhập trung bình cần hạn chế phát thải khí nhà kính.

Hàng loạt thách thức nổi cộm khó có thể giải quyết trong “một sớm một chiều” phần nào là lý do khiến Hội nghị mùa Thu của IMF và WB bế mạc mà không đưa ra được Tuyên bố Chung.

Dẫu vậy, sự kiện tại Marrakech là “tiếng gọi” thôi thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp cấp bách cho những thách thức mang tính toàn cầu đang đe dọa làm chệch hướng "đoàn tàu kinh tế thế giới."

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh hội nghị tại Marrakech mang lại cho bà niềm tin rằng sự chung tay của cộng đồng quốc tế sẽ giúp “mở khóa” cánh cửa cơ hội cho thế hệ tương lai, để một câu chuyện tươi sáng hơn sẽ được viết nên trong 50 năm tới.

Như hàm ý của những dòng thơ mà bà bắt gặp trong chuyến thăm Bảo tàng của quảng trường Jamaa El-Feena ở Marrakech: “Hãy đi và chiêm ngưỡng những bức tường của thành phố đỏ Marrakech/Trái tim bạn sẽ tìm thấy sự bình yên/Và bạn nhận ra luôn có chìa khóa để mở những cánh cửa đóng chặt”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục